Đại án đăng kiểm: 'Quy trình' nhận hối lộ 'chặt chẽ' từ trên xuống dưới như thế nào?

Hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, lãnh đạo các phòng và các trung tâm đăng kiểm đưa ra chủ trương, cùng nhau thống nhất nhận tiền của các chủ phương tiện để bỏ qua lỗi, bỏ qua các điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật, với số tiền hàng chục tỷ đồng!

Ngày 18/7, TAND TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ‘‘Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tham ô tài sản’’ xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Trung tâm Đăng kiểm và Chi cục Đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác.

Ngoài hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam là bị cáo Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình, vụ án còn có 252 bị cáo khác.

Bên cạnh bị hại và 56 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được triệu tập, phiên tòa có 101 luật sư bào chữa cho các bị cáo. Chủ tọa là Thẩm phán Huỳnh Văn Trực. Phiên xử sơ thẩm theo kế hoạch sẽ kéo dài trong 3 tháng, từ ngày 18/7 đến 18/10.

Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam lúc bị bắt

Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam lúc bị bắt

"Đồng lòng" ăn hối lộ từ sếp đến nhân viên

Ngày 26/10/2022 và ngày 28/10/2022, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, tổ công tác của Phòng CSGT Công an TPHCM phát hiện hai xe ô tô có dấu hiệu cơi nới thành thùng so với quy chuẩn nên tiến hành dừng phương tiện kiểm tra.

Kết quả kiểm tra xác định số đo, kích thước thành, thùng xe trùng khớp với Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới (Giấy chứng nhận kiểm định). Tuy nhiên, thông số này lại sai lệch so với số đo theo thông số kỹ thuật của xe trên cơ sở dữ liệu của Cục đăng kiểm VN nên đã chuyển Cơ quan điều tra để tiến hành xác minh, làm rõ.

Từ dấu hiệu tội phạm này, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiến hành điều tra, xác định hành vi phạm tội có tổ chức xuyên suốt từ Cục đăng kiểm VN đến các Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới; Chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại TP.HCM và các địa phương trên cả nước.

Theo đó, tính đến tháng 2/2023, trên cả nước có 280 Trung tâm đăng kiểm. Cục Đăng kiểm VN thực hiện chuyên môn đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật… đối với các phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và các phương tiện khác…

Cáo trạng xác định, tại Cục đăng kiểm VN, từ lãnh đạo Cục, Lãnh đạo, đăng kiểm kiểm viên, cán bộ các Phòng kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR) và Phòng tàu sông (VR); lãnh đạo, đăng kiểm viên các Trung tâm đăng kiểm và các Chi cục đăng kiểm tại TPHCM và trên địa bàn cả nước đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao… đã cố ý làm trái các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, móc nối với các doanh nghiệp, chủ phương tiện, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Trong đó, cáo trạng xác định Cục trưởng Cục đăng kiểm từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021 là ông Trần Kỳ Hình; Cục phó là Đặng Việt Hà và Nguyễn Vũ Hải. Từ tháng 8/2021 đến khi vụ án khởi tố vào tháng 12/2022, Đặng Việt Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng.

Trong thời gian giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, bị can Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà là những người đứng đầu chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi hoạt động của Cục Đăng kiểm Việt Nam theo sự phân công của Bộ Giao thông Vận tải; được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác đăng kiểm trên phạm vi cả nước.

Bị can Nguyễn Vũ Hải là Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phụ trách hoạt động của Phòng Tàu sông. Tuy nhiên, Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà, Nguyễn Vũ Hải đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, đưa ra chủ trương làm trái quy định của pháp luật để nhận hối lộ và đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn, để xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống, trong thời gian dài tại các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm trên cả nước.

Cáo trạng xác định, Trần Kỳ Hình phát hiện có sai phạm, tiêu cực xảy ra tại các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm, nhưng không chấn chỉnh, xử lý mà còn nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp, các đơn vị đăng kiểm bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động Trung tâm Đăng kiểm, nhận tiền của lãnh đạo các phòng về việc các đăng kiểm sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện, nhận tiền hồi lộ trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế với tổng số tiền hơn 7,1 tỉ đồng.

Ngoài ra, Trần Kỳ Hình lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác, làm trái quy định, đã duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp theo quy định, tạo điều kiện cho các cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện hoạt động trái pháp luật, làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của các Chi cục Đăng kiểm và uy tín của Cục Đăng kiểm Việt Nam, làm giảm hiệu lực công tác quản lý nhà nước liên quan hoạt động đăng kiểm thủy nội địa.

Khi Trần Kỳ Hình nghỉ hưu, Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm Cục trưởng, không những không chấn chỉnh, xử lý đối với các hành vi tiêu cực, sai phạm xảy ra trong Cục Đăng kiểm và các Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm, mà còn tiếp tục chỉ đạo cấp dưới là các lãnh đạo phòng, trung tâm đăng kiểm phải nâng mức hưởng lợi của cá nhân Hà đối với số tiền tiêu cực, hối lộ mà cán bộ Phòng kiểm định xe cơ giới, các Trung tâm Đăng kiểm nhận được cho Hà phải là cao nhất.

Từ ngày 1/4/2022 đến tháng 11/2022, Đặng Việt Hà nhận hối lộ của 4 Trung tâm Đăng kiểm khối V tại TPHCM hơn 7,6 tỉ đồng, nhận hối lộ của 5 Trung tâm Đăng kiểm khối V tại TP Hà Nội là 780 triệu đồng và nhận 680 triệu đồng của các Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm khối D.

Do đó, Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Nhận hối lộ” với tổng số tiền là 40,2 tỉ đồng. Trong đó, cá nhân Đặng Việt Hà hưởng lợi số tiền hơn 8,5 tỉ đồng.

Ngoài ra, cáo trạng xác định Đặng Việt Hà còn chỉ đạo các Trung tâm Đăng kiểm V phải tính tiền nộp cho Hà căn cứ vào số lượng phương tiện vào đăng kiểm tại mỗi trung tâm. Từ chủ trương, yêu cầu, chỉ đạo của Hà, lãnh đạo phòng VAR, Giám đốc các Trung tâm Đăng kiểm khối V đã triển khai.

Vì vậy, Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ của Phòng kiểm định xe cơ giới giai đoạn từ ngày 1/8/2021 đến 30/9/2022 hơn 31,1 tỉ đồng.

Cựu phó Cục trưởng Nguyễn Vũ Hải phụ trách hoạt động của Phòng tàu sông đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác, làm trái quy định, đã duyệt cấp chứng nhận đủ năng lực cho 51 cơ sở đóng tàu.

Kết quả điều tra xác định 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực theo quy định, tạo điều kiện cho cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật. Do đó, Nguyễn Vũ Hải phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong việc cấp thông báo năng lực cho 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định.

Cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình

Cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình

Họp đưa phương án kiểm soát để chia phần lợi nhất

Phòng kiểm định xe cơ giới (VAR), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong quá trình thực hiện chức năng thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo của các công ty, các đối tượng là lãnh đạo, Đăng kiểm viên gồm: Trần Anh Quân (quyền Trưởng phòng) và 3 phó phòng là Nguyễn Đức Toàn, Đặng Trần Khanh, Trịnh Bình Dương cùng 10 đăng kiểm viên như Hoàng Xuân Thảo, Vũ Hồng Quang, Trần Ngọc Anh, Phạm Đức Long, Nguyễn Minh Tuấn, Mai Đức Truyền, Nguyễn Anh Hiệp, Nguyễn Phương Nam, Nghiêm Văn Cường, Nguyễn Tuấn Châu, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Thái Dương… cùng hai chuyên viên và 4 nhân viên văn phòng.

Trong quá trình thực hiện thẩm định hồ sơ thiết kế, cải tạo xe cơ giới, cả phòng VAR từ 'sếp đến lính' đều thống nhất và đồng lòng lợi dụng vị trí công tác, nhận hối lộ của các công ty để bỏ qua các sai phạm kỹ thuật theo quy định với mức nhận từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng và chia nhau.

Việc nhận hối lộ, bỏ qua sai phạm được thống kê và báo cáo để lãnh đạo phòng biết, chia phần theo số liệu hồ sơ hàng tháng. Trong đó, chủ trương đưa ra, Trưởng phòng được hưởng 700 ngàn/mỗi hồ sơ, phó phòng 100 ngàn/mỗi hồ sơ, chuyên viên và nhân viên văn phòng mỗi người 50 ngàn, số tiền còn lại Đăng kiểm viên được hưởng.

Số tiền Trưởng phòng nhận, hàng tháng được Cục Trưởng khoán hẳn số tiền phải chung là 60 triệu đồng, Cục phó nhận 20 triệu đồng.

Sau khi Trần Kỳ Hình nghỉ hưu, Đặng Việt Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng. Trong cuộc họp với lãnh đạo Phòng VAR, Đặng Việt Hà đã yêu cầu Phòng VAR hàng tháng phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế với mục đích phải đảm bảo lợi ích của Hà là cao nhất.

Sau cuộc họp này, Quân đã triệu tập tất cả nhân viên VAR, tổ chức họp nội bộ phòng để triển khai lại chủ trương của Hà và thống nhất cắt 400 ngàn/mỗi bộ hồ sơ để 'chung' cho Cục trưởng Hà. Cuối mỗi tháng, Trưởng phòng VAR sẽ để tiền vào phong bì, ghi rõ số lượng hồ sơ thẩm định đem trực tiếp đến phòng làm việc của Hà.

Cáo trạng xác định, trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo phương tiện xe cơ giới Phòng VAR đã thẩm định và cấp 29.676 giấy chứng nhận với số tiền nhận hối lộ hơn 60,5 tỷ để bỏ qua các lỗi, sai sót trên hồ sơ thiết kế và chia nhau hưởng lợi.

Ngoài ra, trong quá trình cấp phép đủ điều kiện hoạt động, kiểm tra đánh giá định kỳ các Trung tâm Đăng kiểm ở địa phương, Trần Anh Quân, Đặng Trần Khanh, Phạm Đức Ngọc đã nhận tiền hối lộ của Trần Bửu Tùng (Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-19D) 220 triệu để bỏ qua các thiếu sót trên hồ sơ cấp phép, các sai phạm tại dây chuyền kiểm định.

Tháng 12/2022, khi Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam nhiều bị can liên quan đến các Trung tâm đăng kiểm, lo sợ hành vi sai phạm của mình bại lộ, Đặng Việt Hà đã đưa lại cho Trưởng Phòng VAR 5 tỷ đồng và cho người dò la tin tức nội bộ vụ án.

Sau khi được Lại Thái Phong là Phó Chánh Văn phòng Cục đăng kiểm rỉ tai rằng có quen biết với Nguyễn Văn Chung (là người có nhiều mối quan hệ với các cơ quan Công an) nên Hà nói với Phong nhờ Chung đứng ra lo liệu việc ‘‘giải vây’’, Phong đồng ý.

Đặng Việt Hà đã trao đổi với Trưởng phòng VAR Trần Anh Quân dùng 5 tỷ đồng mà Hà đã đưa lại trước đó để lo việc này. Trước mắt Quân phải đổi thành 100 ngàn USD đưa đến phòng làm việc cho Hà để Phong mang đưa cho Chung.

Tuy nhiên, Chung không có khả năng lo liệu việc ‘‘giải vây’’ cho Hà như thỏa thuận mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền này. Ngày 29/8/2023, Hà có đơn tố cáo Nguyễn Văn Chung lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Biết thông tin, Chung đã trả lại số tiền 99.000 USD đã nhận cho Phong; đồng thời đến Cơ quan điều tra nộp đơn tự thú và trình bày toàn bộ nội dung vụ việc, thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Lập công ty 'sân sau' bao trọn gói đăng kiểm

Trong vụ án này, rất nhiều công ty tham gia làm dịch vụ bao trọn hồ sơ đăng kiểm và đưa hối lộ. Trong đó từ cán bộ Cục đến lãnh đạo Phòng VAR đều lập công ty sân sau. Theo đó, Lại Thái Phong, Phó Chánh Văn phòng Cục đăng kiểm đã cùng Nguyễn Minh Tuấn và Lê Đức Thiện tham gia thành lập, quản lý và điều hành hoạt động của Công ty TNHH dịch vụ thiết kế kỹ thuật ô tô Đức Thịnh và Công ty TNHH ô tô Nam Phát (cùng địa chỉ tại số 1 ngõ 63 Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Khi khách hàng có nhu cầu cơi nới, chỉnh sửa xe, hai nơi này sẽ thực hiện thiết kế cải tạo, thi công cũng như bao hồ sơ đăng kiểm đạt. Phong, Tuấn, Thiện thỏa thuận ăn chia lợi nhuận theo tỷ lệ: Phong và Tuấn mỗi người hưởng 30%, Thiện hưởng 40% từ hai công ty này.

Tuấn tham gia vào việc điều hành hoạt động từ cuối tháng 05/2019, để được thẩm định đạt tổng cộng 5.409 hồ sơ đăng kiểm cho hai công ty. Từ 01/6/2019 đến 30/9/2022, Phong, Thiện, Tuấn đã thống nhất để Thiện trực tiếp liên hệ đưa tiền hối lộ cho các Đăng kiểm viên Phòng VAR tổng cộng hơn 12,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các đăng kiểm viên Phòng VAR cũng không kém cạnh đã tạo lập công ty sân sau để bao dịch vụ. Trong đó các Đăng kiểm viên Hoàng Xuân Thảo; Trịnh Bình Dương, Vũ Hồng Quang góp vốn thành lập Công ty dịch vụ ô tô An Bình và Công ty VCAR tại Hà Nội.

Sau khi thành lập, 3 đăng kiểm này thuê Lã Thu Chiền làm Giám đốc. Từ 01/03/2019 đến 30/9/2022, Công ty An Bình thẩm định đạt 4.242 hồ sơ và đưa hối lộ tổng số tiền hơn 10,6 tỷ đồng. Công ty VCAR thẩm định đạt 277 hồ sơ và đưa hối lộ 554 triệu cho các đăng kiểm viên…

Ngoài ra, người quen, có mối quan hệ trong lĩnh vực này cũng mở công ty thực hiện dịch vụ. Trong số 15 công ty trong vụ án này, nhiều công ty có hồ sơ đăng kiểm đạt rất lớn như Công ty Tiên Phong 5.580 hồ sơ, số tiền đưa hối lộ hơn 11,3 tỷ đồng…

Trong vụ án này, Cơ quan CSĐT đã tách hành vi và chuyển hồ sơ đến Công an các tỉnh thành xử lý 10 công ty thiết kế cải tạo xe cơ giới theo thẩm quyền. Số lượng hồ sơ 10 công ty này đăng kiểm đạt và số tiền đưa hối lộ cũng rất lớn.

Theo cáo trạng, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa.

Bích Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/dai-an-dang-kiem-quy-trinh-nhan-hoi-lo-thong-nhat-tu-tren-xuong-duoi-nhu-the-nao_164809.html