'Đại bàng đen' của Mỹ có thể sánh ngang Oreshnik trong cuộc đua siêu vượt âm?

Tên lửa mới nhất của Mỹ, Dark Eagle (hay Đại bàng đen) - đã được so sánh với tên lửa Oreshnik mà Nga triển khai trong thời gian gần đây. Hai tên lửa này nổi lên như những đối thủ chính trong cuộc chạy đua vũ trang siêu vượt âm và làm dấy lên các cuộc tranh luận về khả năng cũng như tác động chiến lược của chúng.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 13/12 xác nhận nước này đã hoàn thành vụ phóng thử vũ khí siêu vượt âm tầm xa từ Trạm Lực lượng Không gian Cape Canaveral ở bang Florida.

"Dark Eagle" của Mỹ được cho là có sức mạnh vượt trội. (Ảnh: Lockheed Martin)

"Dark Eagle" của Mỹ được cho là có sức mạnh vượt trội. (Ảnh: Lockheed Martin)

Sau cuộc thử nghiệm, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro cho biết: “Thử nghiệm này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển một trong những hệ thống vũ khí tiên tiến nhất của chúng tôi”. Theo ông Toro, việc bổ sung vũ khí mới vào kho vũ khí của Mỹ sẽ giúp quân đội nước này giữ vững vị trí là “lực lượng chiến đấu ưu việt trên thế giới”.

Vụ phóng thử diễn ra từ bãi phóng Launch Complex 46 đã thu hút sự chú ý của dư luận. Những người đam mê tên lửa và các nhiếp ảnh gia đã chia sẻ nhiều hình ảnh về vụ phóng, còn người dân địa phương bày tỏ sự ngạc nhiên khi chứng kiến tận mắt vụ thử này.

Một số nhà phân tích coi việc công bố Dark Eagle là câu trả lời của Mỹ đối với tên lửa Oreshnik của Nga - tên lửa siêu vượt âm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mà Moscow đã sử dụng để tấn công một cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine ở Dnipro vào ngày 21/11.

Vụ tấn công bằng tên lửa Oreshnik đã gây ra những lo ngại đặc biệt cho các nước phương Tây bảo trợ Ukraine, vì diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi. Hôm 11/12, Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cảnh báo rằng, có khả năng Nga sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí này tấn công Ukraine trong thời gian tới.

Sức mạnh của tên lửa “Đại bàng đen”

Dark Eagle là hệ thống tên lửa tầm xa, đang được Mỹ phát triển để sử dụng trong quân đội. Phó Đô đốc Johnny Wolfe Jr., người phụ trách Chương trình Hệ thống Chiến lược của Hải quân Mỹ cho biết: “Vũ khí siêu vượt âm này được phóng trên mặt đất bằng xe tải. Nó sẽ mang lại khả năng chưa từng có cho quân đội Mỹ, nhằm đáp ứng các yêu cầu trong chiến đấu”.

Theo một báo cáo gần đây của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, thành phần của tên lửa Dark Eagle do các tập đoàn Lockheed Martin và Northrop Grumman phát triển. Vẫn chưa rõ khi nào tên lửa được đưa vào sử dụng chính thức, mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, cuộc thử nghiệm mới nhất sẽ quyết định thời hạn cụ thể.

Dark Eagle bao gồm một tên lửa đẩy lớn mang theo phương tiện lướt siêu vượt âm (C-HGB). Khi tên lửa đẩy đạt đến độ cao và tốc độ phù hợp, nó sẽ phóng C-HGB, lướt ở tốc độ siêu thanh khi lao tới mục tiêu. Theo một số nguồn tin, tốc độ bay của C-HGB có thể lên tới Mach 5, tức là gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Khi C-HGB tách khỏi bộ tăng áp, nó sẽ lướt với tốc độ cao về phía mục tiêu. Sự kết hợp giữa tốc độ và khả năng cơ động khiến việc đánh chặn gần như không thể xảy ra với các hệ thống phòng không hiện tại.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, tên lửa này được thiết kế để đánh bại “khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực” (A2AD) tiên tiến. Với tầm bắn hơn lớn, Dark Eagle có khả năng vượt qua các hệ thống vũ khí tầm xa vốn có thể ngăn cản lực lượng Mỹ hoạt động tại một số khu vực tranh chấp.

Tuy nhiên, con đường dẫn đến cuộc thử nghiệm thành công này không hề suôn sẻ. Quân đội Mỹ đã phải đối mặt với một số thách thức kỹ thuật khiến việc phát triển tên lửa bị trì hoãn.

Vào năm 2023, Mỹ đã hủy bỏ 3 vụ thử nghiệm tên lửa Dark Eagle từng được lên kế hoạch vào tháng 3, tháng 9 và tháng 10. Các quan chức quốc phòng Mỹ xác nhận rằng những vụ phóng này đã không diễn ra.

Nguyên nhân chính của sự chậm trễ là do vấn đề liên quan đến bệ phóng và hệ thống hỗ trợ, trong đó Quân đội Mỹ cho rằng phần lớn sự cố là do bệ phóng mà Lockheed Martin cung cấp.

So sánh với tên lửa Oreshnik

Nga đã bày tỏ sự tin tưởng vào tên lửa siêu vượt âm mới của nước này. Tổng thống Putin thậm chí tuyên bố rằng sự phát triển của Oreshnik khiến Nga "gần như loại bỏ nhu cầu sử dụng vũ khí hạt nhân".

“Hiện không có biện pháp đối phó nào chống lại những loại vũ khí như vậy. Những tên lửa này tấn công mục tiêu với tốc độ Mach 10, từ 2,5 đến 3 km/giây”, ông Putin cho biết. Ukraine báo cáo, tên lửa Oreshnik đã đạt tốc độ tối đa trên Mach 11 trước khi bắn trúng mục tiêu ở Dnipro, tương đương 3,7km/giây.

Theo quân đội Mỹ, Dark Eagle có thể di chuyển hơn 6.115km/giờ: “Chúng có thể chạm tới đỉnh bầu khí quyển Trái đất và nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không và tên lửa cho đến khi sẵn sàng tấn công, khiến đối phương không kịp phản ứng”.

Hiện chưa rõ liệu Dark Eagle có khả năng mang vũ khí hạt nhân giống như tên lửa mới của Nga hay không. Một báo cáo gần đây của chuyên gia công nghệ tiên tiến Kelly Sayler cho biết: “Khác với Nga và Trung Quốc, hầu hết vũ khí siêu thanh của Mỹ không được thiết kế để sử dụng đầu đạn hạt nhân”.

Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố "sự kết hợp giữa tốc độ, tầm bắn, khả năng cơ động và độ cao" của tên lửa siêu vượt âm Dark Eagle khiến nó trở thành mục tiêu gần như không thể bắn hạ, cho phép đánh bại nhanh chóng và có khả năng sống sót cao khi tấn công các mục tiêu được phòng thủ chặt chẽ".

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/dai-bang-den-cua-my-co-the-sanh-ngang-oreshnik-trong-cuoc-dua-sieu-vuot-am-post1142024.vov