Đại biện Ukraine: Chúng tôi sẽ bảo vệ đất mẹ bằng mọi giá
Trao đổi với Zing, đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam phản đối việc Nga đưa quân vào vùng Donbas, đồng thời khẳng định sẽ không nhượng bộ trước các hành động khiêu khích.
Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam Nataliya Zhynkina cho biết việc Nga triển khai quân đội trên lãnh thổ Donbas là "con đường dẫn đến sự leo thang căng thẳng tiếp theo". Đồng thời, bà nhấn mạnh Ukraine không công nhận nền độc lập tại Luhansk và Donetsk.
Bà Zhynkina dự đoán một xung đột có thể nổ ra về sau. "Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ bảo vệ đất mẹ của mình và dựa vào sự hỗ trợ của quốc tế”, bà nói.
Trước đó, vào tối 21/2 (giờ địa phương), Tổng thống Vladimir Putin công nhận độc lập đối với hai “nhà nước cộng hòa” tự xưng hiện kiểm soát khoảng một nửa vùng Donbas, thuộc miền Đông Ukraine.
Thượng viện Nga cũng chấp thuận việc ông Putin ra lệnh cho quân đội tới Donbas làm nhiệm vụ “gìn giữ hòa bình”.
Ukraine sẽ không nhượng bộ
Trong bối cảnh các lực lượng của Nga vẫn tập trung gần biên giới, miền Đông Ukraine đang có nguy cơ trở thành “ngòi nổ” cho một cuộc xung đột rộng lớn.
Đại diện Zhynkina nói chỉ trong vòng 5 ngày qua, lãnh thổ Ukraine đã phải hứng chịu hơn 2000 quả đạn pháo.
Là một người con từ thành phố Luhansk, bà lo lắng tột độ trước tình hình này.
Bất chấp việc Ukraine tuân thủ lời hứa không có kế hoạch lấy lại Crimea hoặc Donbas bằng biện pháp quân sự, bài phát biểu của ông Putin vẫn tiếp tục cáo buộc Ukraine phải chịu trách nhiệm trong các vụ xung đột, bà nhấn mạnh.
Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi tổng thống Nga ký sắc lệnh công nhận độc lập của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” (DNR) và “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” (LNR). Hai “nhà nước tự xưng” này do phe ly khai thân Nga lập ra ở vùng Donbas thuộc miền Đông Ukraine từ năm 2014.
Hiện có rất nhiều cảm xúc, nhưng chúng tôi cần giữ cái đầu lạnh để tập trung cho mọi nỗ lực giảm leo thang căng thẳng.
Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam Nataliya Zhynkina
Theo bà Nataliya, với hành động này, phía Nga đã vi phạm "các chuẩn mực và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận".
“Như ngoại trưởng Ukraine nói, hiện có rất nhiều cảm xúc, nhưng ngay bây giờ chúng tôi cần giữ cái đầu lạnh để tập trung cho mọi nỗ lực giảm leo thang căng thẳng”, đại biện Ukraine tại Việt Nam chia sẻ. “Không có cách nào khác”.
Bà Nataliya Zhynkina nhấn mạnh Kyiv hiểu rõ ý định của Nga và mục tiêu khiêu khích Ukraine.
“Chúng tôi đang tính đến tất cả rủi ro và không nhượng bộ trước các hành động khiêu khích. Chúng tôi vẫn cam kết giải quyết bằng con đường chính trị - ngoại giao trước các xung đột vũ trang”, bà nói.
“Nga càng đe dọa thì Ukraine càng muốn gia nhập NATO”
Nga và Ukraine, hai quốc gia từng gắn bó khăng khít dưới mái nhà chung Liên bang Xô Viết, đang tiến đến "miệng hố" của một cuộc chiến mà quy mô của nó có thể đe dọa đến an ninh của cả lục địa già.
Mỗi bên đều có lý lẽ riêng. Điện Kremlin xem quá trình "Đông tiến" của NATO là một mối đe dọa nghiêm trọng về mặt an ninh, và quyết không để Ukraine - nước án ngữ ngay cửa ngõ của Nga - gia nhập liên minh quân sự này.
Tuy nhiên, theo Đại biện Zhynkina, việc lo lắng Ukraine gia nhập NATO “chỉ là cái cớ” mà Nga sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công.
Đại biện cho hay trên thực tế, đến tận năm 2014, Ukraine không nói gì về việc tham gia NATO. Chỉ sau khi Nga sáp nhập Crimea và lực lượng ly khai nổi dậy ở Donbas thì Ukraine mới nghiêng về ý tưởng này để có biện pháp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trong tương lai.
“Từ đầu năm 2021, khi Nga bắt đầu tập trung quân gần biên giới Ukraine và cho đến bây giờ, quyết định về việc Ukraine gia nhập NATO đã có trong chương trình nghị sự đâu?”, bà nói. “Nhưng Nga càng đe dọa, thì Ukraine càng muốn gia nhập NATO sớm”.
Ngày 19/2, tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi NATO và Liên minh châu Âu (EU) xây dựng lộ trình rõ ràng cho việc nước này trở thành thành viên của hai tổ chức.
Với Đại biện Zhynkina, nguyên nhân chính của tình hình căng thẳng hiện nay xuất phát từ tham vọng của Nga. Bà cho hay kể từ Hội nghị Munich năm 2007, Tổng thống Putin đã thể hiện ý định cố gắng khôi phục ảnh hưởng và sự hiện diện của “đế chế" Nga.
Trong khi đó, hôm 22/2, ông Putin tuyên bố Nga không có ý định thành lập một “đế quốc” như trước kia. “Tôi đã thấy trước những suy đoán rằng ‘Nga tính phục hồi đế quốc trong các biên giới trước đây'. Điều này chắc chắn không đúng sự thật”, AFP dẫn lời ông.
Đại biện Zhynkina nói thêm rằng các xung đột ở Moldova, Georgia và ở Ukraine kể từ năm 2014 cho thấy theo quan điểm của ông Putin, Ukraine không có các quyền của một quốc gia có chủ quyền.
Đại biện Ukraine chỉ ra bằng chứng là các văn bản của Nga về việc công nhận “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” tự xưng đi ngược lại với các hiệp ước đã ký với Ukraine về việc công nhận biên giới. Nga dường như không coi các hiệp ước ký kết với Ukraine là văn bản hợp lệ.
Theo bà, các nhà lãnh đạo Điện Kremlin luôn tin rằng nếu không kiểm soát Ukraine, Nga sẽ không bao giờ trở thành nhà lãnh đạo thế giới.
Chuẩn bị cho mọi kịch bản
Khi được hỏi về dự đoán liên quan việc liệu Nga có tấn công Ukraine, bà Zhynkina chia sẻ không ai biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
“Như Tổng thống Mỹ Joe Biden từng phát biểu, không ai biết ông Putin nghĩ gì. Vì vậy, chúng tôi đang chuẩn bị cho tất cả kịch bản, bao gồm cả điều tệ nhất”, bà cho biết.
Ukraine đang chuẩn bị cho tất cả kịch bản, bao gồm điều tệ nhất.
Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam Nataliya Zhynkina
Bên cạnh đó, theo vị đại biện, Ukraine đang thể hiện nỗ lực trên mặt trận ngoại giao và tin rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng Nga hoàn toàn nằm ở khía cạnh chính trị. Điều này đòi hỏi các nước phương Tây đưa ra các biện pháp mạnh đối với Nga như đã hứa.
“Tôi tin rằng không bao giờ muộn để ngăn chặn chiến tranh, ngay cả khi nó đã bắt đầu”, bà nhận định.
Bà Zhynkina cho biết các quyết định và động thái tiếp theo của Nga phần lớn phụ thuộc vào phản ứng của thế giới đối với việc ông Putin công nhận độc lập hai vùng ly khai và Nga đưa quân vào khu vực này.
Ukraine kiên quyết kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga, "để gửi đi một tín hiệu rõ ràng về việc không thể chấp nhận sự leo thang hơn nữa".
Về một cuộc chiến có thể xảy ra, bà cho biết lập trường của Ukraine rất rõ ràng và minh bạch. Trong trường hợp bị tấn công, Ukraine sẽ tự vệ bằng tất cả lực lượng và phương tiện của mình.
Với sự tham gia của các đối tác quốc tế, các phương tiện truyền thông khách quan trên thế giới, Đại biện Ukraine nói nước này cố gắng làm rõ những "hành động khiêu khích của Nga".
Bởi thông qua các bước đi này, bà Zhynkina nói Nga đang muốn quy trách nhiệm về vi phạm Thỏa thuận Minsk và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế sang Ukraine.
Đại biện Ukraine nhấn mạnh nước này chỉ muốn những điều đơn giản. "Đó là sống hòa bình và độc lập trên lãnh thổ của mình, chỉ vậy thôi. Chúng tôi muốn hòa bình và chủ quyền đầy đủ được khôi phục trên lãnh thổ của mình”, bà cho hay.
Căng thẳng Nga - Ukraine
Quan hệ hai bên rạn nứt lớn sau bất ổn chính trị ở Ukraine, thời điểm Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014.
Cùng năm, phe ly khai thân Nga ở Đông Ukraine nổi dậy, lập ra hai nhà nước tự xưng tại Donbas. Giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và quân ly khai tại Donbas tạm chấm dứt sau khi có Thỏa thuận hòa bình Minsk 2 năm 2015.
Thỏa thuận Minsk 2 sau đó bế tắc vì Kyiv không muốn trao quy chế tự trị cho hai vùng ly khai, trong khi Nga quyết không trả quyền kiểm soát biên giới nếu Ukraine không chuyển giao quyền lực tại Donbas.
Từ cuối năm 2021, Nga bắt đầu tập trung quân đội gần biên giới với Ukraine. Đáp trả, các nước phương Tây hỗ trợ nhiều khí tài quân sự cho Kyiv.
Theo BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ước tính 60% lực lượng mặt đất của quân đội Nga đang đóng gần biên giới của Ukraine với Nga và Belarus.
Điện Kremlin phủ nhận ý đồ tấn công.
Tuần trước, quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn, với các loạt nổ súng và pháo kích.
Hôm 18/2, hai “nhà nước cộng hòa” tự xưng ở Luhansk và Donetsk, thuộc miền Đông Ukraine, tuyên bố sơ tán công dân tới Nga.
Ngày 19/2, hai vùng này ra lệnh tổng động viên.
Ngày 21/2, Tổng thống Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập với hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Ông đồng thời ra lệnh đưa quân đến đây để "gìn giữ hòa bình". Thượng viện Nga đã chấp thuận việc này.