Đại biểu băn khoăn gì về cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế?

Đây là băn khoăn của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế sáng 22-10.

Cho cơ chế nhưng cần trọng điểm

Là người theo dõi sát quá trình đề xuất các cơ chế, chính sách cho 4 tỉnh, phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ đồng tình với sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TP Hải Phòng, và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, một khi chúng ta đã bắt tay vào xây dựng chính sách cho các địa phương này thì phải thực sự đặc thù, các chính sách này phải bảo đảm đủ mạnh, tạo được động lực phát triển cho các địa phương, giúp địa phương phát triển vượt lên được trên tinh thần khuyến khích các địa phương nỗ lực phát triển trên cơ sở được hưởng các khoản tăng thu vượt mục tiêu trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

“Chúng ta đặt mục tiêu phát triển kinh tế vùng thì phải có động lực phát triển và việc tạo cơ chế đặc thù cho các địa phương, trong đó có Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là bước để cụ thể hóa, nhằm tạo động lực phát triển”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: 5 -10 năm tới thì các tỉnh, thành này sẽ đạt được gì, như có tự cân đối được ngân sách, đóng góp được ngân sách hay không? Ảnh: VPQH

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: 5 -10 năm tới thì các tỉnh, thành này sẽ đạt được gì, như có tự cân đối được ngân sách, đóng góp được ngân sách hay không? Ảnh: VPQH

Nhấn mạnh phải có đánh giá tác động trong 5 - 10 năm tới thì các tỉnh, thành này sẽ đạt được gì, như có tự cân đối được ngân sách, đóng góp được ngân sách hay không, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, phải “cho cái gì để người ta có thể vượt lên được, đủ dài, đủ mạnh”; những chính sách đang được đề xuất cũng mới giải quyết được từng bước, cho cơ chế tương đối nhưng cần trọng điểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Thắng (Đoàn Quảng Ninh) thì cho rằng, trên tinh thần xây dựng cơ chế đặc thù cho 4 địa phương này, chúng ta cần cân nhắc có thể xây dựng cơ chế đặc thù cho một số các tỉnh khác. Theo đại biểu, chúng ta cần khắc phục tình trạng một chính sách chung cho tất cả các tỉnh bởi điều kiện tự nhiên, thực tế phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương rất khác nhau thì mới có thể phát huy được các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Cùng với đó, tăng cường sự phân cấp, phân quyền quản lý, gắn với trách nhiệm của các địa phương.

Không phải cứ dựa mãi nhân công giá rẻ, ưu đãi đầu tư

Ở góc độ khác, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên 3 trụ cột: Cơ chế chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao và động lực khoa học công nghệ. Tuy vậy, đại biểu cho rằng mới chỉ thấy các tỉnh đề xuất liên quan cơ chế chính sách tài chính, ngân sách, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... mà chưa đề cập đến nhân lực và khoa học công nghệ.

“Các tỉnh nên đề xuất vì mỗi lần xây dựng được cơ chế chính sách đặc thù cũng khó khăn. Nhiều nước có động lực phát triển đều quan tâm có nguồn nhân lực chất lượng cao, từ lãnh đạo quản lý đến doanh nhân, người lao động. Nước ta thu hút tốt FDI nhưng không phải cứ dựa mãi nhân công giá rẻ, ưu đãi đầu tư mà cần thiết có chuyển dịch nghiên cứu, nâng hệ sinh thái khoa học công nghệ” - đại biểu Vương Quốc Thắng nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội): Việc ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cần có sự thống nhất với hệ thống pháp luật của Nhà nước. Ảnh: Trọng Hải.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội): Việc ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cần có sự thống nhất với hệ thống pháp luật của Nhà nước. Ảnh: Trọng Hải.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội) thì cho rằng, việc ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cần có sự thống nhất với hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Cụ thể, cần làm rõ việc “thí điểm” như thế nào cũng như thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội và việc phân quyền cho các địa phương thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù này ra sao.

Điều quan trọng hơn trong việc thí điểm này là tạo sự bình đẳng giữa các địa phương có cùng điều kiện phát triển như nhau, tạo sự thống nhất trong quản lý của Chính phủ. Đặc biệt là tránh tình trạng sắp tới các địa phương khác cũng kiến nghị có cơ chế, chính sách đặc thù riêng.

“Hiện nay có 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh đã áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù. Vậy việc áp dụng thí điểm đối với các tỉnh, thành phố lần này cần quy định thời gian thí điểm trong bao lâu để có đánh giá về hiệu quả thực hiện?"- đại biểu Nguyễn Phương Thủy băn khoăn.

Ngoài ra, tán thành việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết để tạo cơ chế đột phá cho các địa phương phát triển, song tại phiên thảo luận, các đại biểu còn kiến nghị có tiêu chí cụ thể lý do vì sao chọn các tỉnh, thành phố lần này để chọn làm thí điểm...

Theo đề xuất của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế quy định thống nhất về hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 và được thực hiện trong 5 năm.

HẰNG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dai-bieu-ban-khoan-gi-ve-co-che-dac-thu-cho-hai-phong-nghe-an-thanh-hoa-thua-thien-hue-675072