Đại biểu Bố Thị Xuân Linh góp ý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Chiều 22/5, Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 đã thảo luận, góp ý về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã góp ý nội dung của dự thảo luật.
Về thu hồi biển số xe, tại điểm b khoản 3 Điều 37 dự thảo Luật quy định: “Trường hợp xe hết niên hạn sử dụng, hư hỏng hoặc chuyển quyền sở hữu xe thì chủ xe được giữ lại số biển số xe trong thời hạn 5 năm để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình; quá thời hạn nêu trên, số biển số xe đó bị cơ quan đăng ký xe thu hồi, nhập vào kho biển số để đăng ký, cấp cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định”. Tuy nhiên, tại điểm d khoản 6 Điều 39 quy định trường hợp xe cơ giới hết niên hạn sử dụng theo quy định thì thuộc trường hợp thu hồi biển số xe. Như vậy, chưa có sự thống nhất giữa các điều khoản nêu trên, Đại biểu đề nghị các cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát lại các nội dung trên.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh góp ý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Theo đại biểu Linh, về đấu giá biển số xe (tại Điều 38), Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 và được thực hiện trong 3 năm. Do đó, đại biểu đề nghị sau khi kết thúc việc thí điểm, cần phân tích, đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện Nghị quyết một cách toàn diện trước khi quy định cụ thể trong Luật.
Trường hợp vẫn giữ quy định việc đấu giá biển số xe như dự thảo Luật, thì nên sửa đổi Điều 38 dự thảo theo hướng chỉ giữ lại khoản 1 Điều 38 dự thảo, các nội dung còn lại của Điều 38 như: việc xác định giá khởi điểm; Tiền đặt trước; quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe; Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe… nên dẫn chiếu theo quy định của pháp luật về Luật đấu giá tài sản và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành.
Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non (tại Điều 46), đại biểu đề nghị biên tập lại khoản 5 Điều 46 theo hướng quy định trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong việc tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non không chỉ đối với cơ sở giáo dục, ngành giáo dục, mà là trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong vấn đề này.
Về điểm của Giấy phép lái xe (tại Điều 58), để đảm bảo công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, đại biểu đề nghị bổ sung điều khoản quy định thống nhất việc liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia để thực hiện việc cập nhật, truy cập dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe và thông báo đến người vi phạm được biết.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ ( Điều 87), đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho các đối tượng: trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, người học, người công tác trong các trường học của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm đảm bảo sự đầy đủ, phù hợp với quy định tại Điều 7 dự thảo Luật…