Đại biểu đề nghị bỏ giấy chuyển viện, Bộ trưởng Y tế nói rất cần thiết
Bộ trưởng Y tế cho biết, giấy chuyển tuyến rất cần thiết và Bộ đang tập trung chỉ đạo nghiên cứu sử dụng chuyển tuyến điện tử, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử để giảm bớt thủ tục cho người dân.
Đại biểu đề nghị sớm bỏ giấy chuyển viện
Tại cuộc thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 20/11, GS Nguyễn Anh Trí, đại biểu đoàn Hà Nội, nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ươngcho biết, nhiều cử tri phản ánh khi đi khám bệnh phải xin giấy chuyển viện rất phiền toái, mất thời gian, mệt mỏi.
Theo ông, giấy chuyển viện trở thành hàng rào cản trở bệnh nhân trong khi công nghệ thông tin phát triển, kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh liên thông đã trở nên dễ dàng hơn.
Do đó, ông đề nghị: "Khi sửa Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sắp tới, các cơ quan cần hướng đến mục tiêu người có BHYT muốn khám, chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp tình trạng bệnh, chất lượng khám chữa, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc".
Do đó, đại biểu Trí kiến nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh tiến trình thông tuyến bệnh viện khi 93% dân số Việt Nam đã tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, đại biểu Trí đề nghị bỏ danh sách thuốc được BHYT thanh toán bởi điều trị bằng thuốc gì, phác đồ nào là do bác sĩ căn cứ vào mức độ bệnh và trình độ, kinh nghiệm của họ cũng như cập nhật tiến bộ y học thế giới nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
"Việt Nam cần hướng đến mục tiêu là các thuốc BHYT phải do bác sĩ, ngành y quyết định. Bệnh nhân dùng thuốc gì, phác đồ nào đúng và hiệu quả thì BHYT phải thanh toán như vậy", ông Trí nói.
Ông cũng đề xuất bổ sung các bệnh lý nam khoa đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh mục phân loại bệnh tật quốc tế để BHYT thanh toán thuốc.
Đồng ý với đại biểu Trí, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên) cho biết, hiện nay người dân rất bức xúc về vấn đề chuyển viện theo BHYT.
Đại biểu chỉ rõ, chuyển bảo hiểm có hai ý nghĩa quan trọng, đó là quản lý quỹ BHYT và không để người dân vượt cấp lên tuyến trên quá nhiều đối với những bệnh thông thường.
Theo đại biểu, cần công khai danh mục kỹ thuật mà các cơ sở y tế cấp huyện có thể thực hiện, đối với những vấn đề không làm được thì người dân được phép chuyển lên tuyến trên.
Về vấn đề thiếu hụt thuốc, đại biểu Hoàng cho rằng, cần phải quan tâm tới vấn đề tập huấn cho các cơ sở y tế về công tác đấu thầu, quản lý đấu thầu và quản lý dự án.
"Trước đây, Bộ Y tế thực hiện đấu thầu tập trung nhưng hiện nay, ngoài các danh mục đấu thầu tập trung thì giao cho cơ sở y tế chủ động trong công tác đấu thầu và cung ứng thuốc. Tuy nhiên, khi giao cho cơ sở y tế chủ động trong việc đấu thầu thuốc thì gặp phải bất cập khi cơ sở chưa có nhân lực đủ năng lực và sự tinh tế", đại biểu Hoàng nói.
Vì sao các bệnh viện vẫn nợ vật tư, thuốc men, suất ăn, đồ giặt... từ thời Covid?
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nêu thực trạng, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, việc thực hiện mua sắm vật tư y tế gặp nhiều khó khăn do cần gấp và do giãn cách xã hội.
Vì vậy, các đơn vị đã thực hiện mượn hàng, vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân, và đến nay chưa thanh toán do vướng các thủ tục.
Mặc dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 99 về giám sát chuyên đề này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay, Chính phủ và Bộ Y tế vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn tỉnh Bình Định), Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng xác nhận thực trạng này và cho biết, đây là vấn đề nổi cộm không chỉ của tỉnh Bình Thuận mà còn là vấn đề của đại đa số các tỉnh, thành phố mà đại dịch bùng phát.
Theo đại biểu Hiếu, vấn đề nợ không chỉ ở vật tư, thuốc men mà còn cả suất ăn, đồ giặt, oxy, khí nén... Nếu chỉ có Bộ Y tế ban hành hướng dẫn là chưa đủ.
Giải thích thêm, Giám đốc Đại học Y nêu rõ, Chính phủ chỉ có thể đề ra nguyên tắc, chỉ đạo cho địa phương tự thực hiện rà soát nhưng luôn kèm theo một câu là "thực hiện theo đúng quy định của pháp luật". Như vậy, mọi việc sẽ đứng yên một chỗ.
Lấy ví dụ tại Đại học Y, đại biểu Lân Hiếu cho biết, có nhiều trường hợp tồn đọng nợ quá lâu, không có cách nào để chi trả được, thậm chí phải đưa ra tòa xử.
Khi đó, bệnh viện chắc chắn sẽ bị xử thua vì thực sự bệnh viện đã sử dụng đồ đạc, dụng cụ của người ta, do đó bệnh viện phải trả tiền kèm lãi suất ngân hàng.
Do đó, đại biểu Hiếu, đề nghị Bộ Y tế cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về một số vướng mắc các mặt hàng cụ thể hay sử dụng chống dịch, các địa phương cần hỗ trợ quyết liệt ngành y tế bằng các nghị quyết của HĐND, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại sau đại dịch để ngành y tế thực sự kết thúc đại dịch không ai mong muốn này và ngành y tế yên tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Bộ trưởng nói giấy chuyển tuyến là rất cần thiết
Giải trình về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số cơ sở y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc đảm bảo thuốc, vật tư y tế sau thời gian đại dịch Covid-19 có những tồn tại, hạn chế do nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay các vướng mắc về nguồn cung, cơ chế chính sách đều đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc khi nhiều cán bộ ở cơ sở còn lúng túng trong việc triển khai đấu thầu, việc phân cấp phân quyền ở địa phương còn bất cập, chưa đảm bảo rút gọn quy trình thủ tục, dẫn đến kéo dài thời gian.
Bà Lan cho biết, hiện nay mua thuốc do ba nơi đảm nhận, Bộ Y tế đấu thầu tập trung cấp quốc gia chỉ chiếm 16 đến 18% tổng số, còn lại đấu thầu tập trung cấp tỉnh và các cơ sở trực tiếp chủ động mua sắm cho mình.
"Tháng 8 vừa qua Bộ Y tế có văn bản đề nghị các nơi tổng hợp lại các ý kiến còn vướng mắc để Bộ trình cấp thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc", bà Lan nói.
Bộ trưởng Lan cho biết, triển khai thực tế ở địa phương nhiều cơ sở giao cho đơn vị làm nhiệm vụ đấu thầu. "Anh em toàn là bác sĩ cũng không hiểu rõ cơ chế mua sắm thế nào nên quá trình làm vẫn còn lúng túng", bà Lan nói.
Vấn đề phân cấp, phân quyền, bà Lan cho biết, Bộ trưởng Y tế phân cấp toàn diện cơ sở thuộc bộ việc mua sắm.
Tuy nhiên ở các địa phương có nơi cơ sở y tế chỉ mua được trong 100 triệu, trên số này phải trình qua Sở Y tế, Tài chính, UBND tỉnh.
Từ đó, Bộ trưởng Y tế đề nghị UBND các tỉnh rà soát lại để đảm bảo quản lý được nhưng vẫn trao quyền chủ động cho các cơ sở, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.
Về đề xuất bãi bỏ giấy xin chuyển viện của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, giảm thủ tục phiền hà cho người dân nhưng cũng cần phải đảm bảo sự bền vững hệ thống y tế, tránh quá tải dồn lên một cấp nào đó.
"Giải bài toán quá tải thì nhiều đời bộ trưởng đã phải giải trình", bà Lan nói.
Bộ trưởng Y tế cho biết, hiện nay chuyển tuyến từ năm 2014 thì phải chuyển từ dưới lên trên theo tuần tự, nhưng từ năm 2016 thì thông tuyến ở cấp huyện, đến 2021 thì thông tuyến toàn tỉnh.
"Như vậy, bước chuyển tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, bây giờ chỉ có từ tuyến huyện đi thẳng lên tuyến Trung ương, hay từ tuyến tỉnh được chuyển thẳng đến tuyến Trung ương không", bà Lan nói.
Bộ trưởng Y tế cho hay, để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế đang tập trung chỉ đạo nghiên cứu sử dụng chuyển tuyến điện tử, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử để giảm bớt thủ tục cho người dân.
"Về câu hỏi có đảm bảo việc bỏ chuyển tuyến hay không, chúng tôi cho rằng với vai trò của giấy chuyển tuyến ghi rõ tình trạng, lịch sử điều trị, tóm tắt bệnh án thì việc chuyển tuyến giấy hay điện tử thì cũng rất cần thiết", bà Lan nói.