Đại biểu đề nghị cho mặc áo dài ngũ thân trong các sự kiện quan trọng

Trong bộ nam phục áo dài ngũ thân, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) để lại ấn tượng tại phiên thảo luận sáng nay về kinh tế - xã hội tại nghị trường Quốc hội với đề xuất về quốc phục.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 31-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 31-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Bày tỏ quan tâm tới tình trạng bạo lực học đường đang có diễn biến phức tạp hiện nay, ĐB Nguyễn Văn Cảnh nhìn nhận, nguyên nhân của tình trạng này là trẻ em muốn nhận được nhiều sự chú ý hơn. Môi trường giáo dục cần đáp ứng nhu cầu này của các em, công nhận, khuyến khích năng lực cá nhân của mỗi trẻ em.

“Ngành giáo dục cần có cơ chế để các em có cơ hội, dù là hoạt động cá nhân hay hội nhóm, được xuất hiện mỗi tháng một lần trước lớp, mỗi năm một lần trước trường để thể hiện bản thân, được hòa nhập với các bạn, thỏa mãn nhu cầu được công nhận, để các em không có xu hướng sử dụng bạo lực trong môi trường học đường. Điều này cũng giúp các em có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày trước đám đông mà hiện nay học sinh, sinh viên còn đang thiếu”, ĐB nêu quan điểm.

Cùng với đó, ĐB cho rằng, cần có sự phân định rõ ràng, việc nào thuộc trách nhiệm của gia đình, việc nào là trách nhiệm của nhà trường. Theo ông, trong môi trường học đường, các thầy cô có kỹ năng sư phạm và công bằng hơn đối với tất cả học sinh, nên cần ưu tiên dạy điều hay lẽ phải, để trẻ có suy nghĩ, lối sống, sinh hoạt hàng ngày chuẩn mực. Cha mẹ cần tập trung chăm sóc, làm gương tốt cho con, theo dõi, nhắc nhở các con thực hiện những gì thầy cô đã dạy. Giữa nhà trường và gia đình cần có sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ để trẻ được phát triển toàn diện.

Đáng lưu ý, ĐB đề nghị Quốc hội xem xét đưa một nội dung vào nghị quyết kỳ họp này cho phép ĐB được mặc áo dài ngũ thân tại các phiên họp, khi viếng lăng Bác và trong lễ chào cờ.

Việc mặc áo ngũ thân không làm thay đổi quy định nào về việc mặc các trang phục khác, không phải thay thế bộ complet, mà chỉ giúp đại biểu, người tham dự có thêm lựa chọn được mặc trang phục truyền thống trong các hoạt động văn hóa, sự kiện ngoại giao.

Lý do, như ĐB giải thích, là việc cho phép mặc áo dài ngũ thân nam tại các hội nghị, sự kiện sẽ giúp cho các cơ quan có trách nhiệm và người dân cái nhìn thực tế, có thời gian để nhìn rõ hơn về giá trị truyền thống, sự phù hợp thực tiễn khi đưa áo dài ngũ thân về lại với đời sống người Việt; hướng đến xây dựng riêng 1 bộ lễ phục truyền thống cho người Việt tại các hội nghị văn hóa lớn, các sự kiện ngoại giao nhà nước.

“Bộ lễ phục này sẽ vẫn giữ gìn nét truyền thống, phù hợp với sinh hoạt, công việc trong xã hội hiện đại và tương xứng với trang phục của người đồng cấp trong sự kiện ngoại giao, trong hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế”, ĐB Cảnh chia sẻ.

Theo ông, trang phục là một phần của bản sắc văn hóa. Các nước xung quanh ta và trên thế giới phần lớn đều có lễ phục truyền thống. “Đề án về trang phục truyền thống đến nay vẫn chưa được thông qua, theo tôi, một phần là do chưa có quy định cho mặc thí điểm để có nhiều thực tiễn. Tôi mong Quốc hội chấp nhận đề xuất trên, Chính phủ, các địa phương quan tâm đến việc phát triển lễ phục truyền thống trong thời gian đến”, ĐB nêu rõ.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dai-bieu-de-nghi-cho-mac-ao-dai-ngu-than-trong-cac-su-kien-quan-trong-post691837.html