Đại biểu đề nghị nâng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước tham gia dự án PPP lên 80%
Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị Chính phủ cân nhắc nâng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước tham gia dự án PPP lên 80%.
Nhà nước cần tăng biên độ hỗ trợ tài chính cho các dự án
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, các đại biểu quốc hội góp ý nhiều nội dung liên quan đến dự án PPP.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày tỏ băn khoăn với Luật PPP chỉ quy định tỷ lệ vốn của Nhà nước không quá 50% tổng mức vốn đầu tư của dự án. Điều này dẫn đến các nhà đầu tư không mặn mà với dự án đầu tư theo hình thức này.
Do đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị việc hợp tác đầu tư công tác cần cân nhắc tỷ lệ vốn góp, trình tự thủ tục đầu tư, tránh việc kéo dài dự án, thời gian từ khi đề xuất đến khi khởi công dự án quá dài.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cũng cho rằng Nhà nước cần tăng biên độ hỗ trợ tài chính cho các dự án.
Bà Quyên Thanh nhấn mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư PPP trong thời gian qua cho thấy còn nhiều khó khăn vướng mắc. Theo đó, cần cấu trúc tài chính phù hợp trong mô hình hợp tác PPP do đặc thù rủi ro cao của các dự án hạ tầng giao thông.
“Nhà nước cần mở rộng biên độ hỗ trợ về tài chính, nhằm tăng khả năng về tài chính của dự án, giúp nhà đầu tư mau hoàn vốn. Nhất là với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội”, bà Thanh nói.
Đại biểu Thanh cũng thống nhất với phương án tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.
"Điều này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho các loại dự án này khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn, tạo động lực thu hút, huy động đầu tư tư nhân trong xây dựng các dự án đường bộ", bà Thanh nêu.
Ngoài ra, theo đại biểu, việc này cũng tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần xây dựng tiêu chí cho phép các dự án đường bộ được áp dụng mức trần nhà nước trên 50% vốn đầu tư.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan thẩm định tính khả thi của dự án trước khi kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia, qua đó xác định được mức độ hấp dẫn của dự án đối với nhà đầu tư tư nhân, kiểm soát được quá trình triển khai, đo lường được mức độ ảnh hưởng của dự án tới người dân.
Tăng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước ở dự án PPP lên 80%
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị Chính phủ cân nhắc nâng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước tham gia dự án PPP lên 80%
Ông Hiếu cho rằng hiện nay Chính phủ đang đệ trình tỷ lệ vốn Nhà nước cao hơn so với tỷ lệ quy định trong Luật PPP là 70%.
Cơ sở quan trọng nhất, mấu chốt nhất để xác định “như thế nào là hợp lý”, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng cần không làm mất đi tính chất hợp tác công tư và cần cân bằng tính khả thi của tỷ lệ này. Nếu cơ chế đưa ra không khả thi thì sẽ không có công trình, không có dự án và không có lợi ích khác.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên cân nhắc kỹ lưỡng nâng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước khi tham gia dự án PPP lên 80% để giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Đại biểu nhận thấy, Chính phủ có thể tham chiếu Nghị quyết thí điểm của TP.HCM với tỷ lệ góp vốn 70%, tuy nhiên không nhất thiết lấy đúng tỷ lệ này của TP.HCM, vì bối cảnh các công trình, dự án của TP.HCM rất khác, bài toán về hiệu quả kinh tế, bài toán về các nhà đầu tư cũng khác.
Do đó, đại biểu Hiếu kiến nghị cần nâng cao tỷ lệ này lên 80% vì đây là tỷ lệ tối đa phần vốn Nhà nước có thể tham gia, dư địa để cho các địa phương đàm phán các nhà đầu tư. Mỗi địa phương tùy từng hoàn cảnh có những phương án riêng và tỉ lệ tham gia góp vốn của Nhà nước có thể dưới tỷ lệ tối đa cho phép.
Đồng tình việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, đại biểu Lại Văn Hoàn lý giải: Qua xem xét lại một số loại hình giao thông mang tầm chiến lược, tổng mức đầu tư rất lớn gồm nhiều hợp phần khác nhau đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư cơ bản về hạ tầng; đồng thời kêu gọi đầu tư vận hành và khai thác theo hình thức PPP. Vì vậy nguồn lực Nhà nước sẽ phải chiếm tỷ trọng cao trong tổng mức đầu tư.
Theo ông Hoàn, một số dự án đầu tư ở vùng kinh tế xã hội chưa phát triển, địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, vận hành khai thác khó đảm bảo phương án tài chính… cũng cần được quan tâm bố trí tỷ lệ nguồn lực nhà nước cao hơn.
Đại biểu cũng dẫn chứng dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình (tuyến đường quan trọng giúp kết nối các tỉnh Nam Định, Thái Bình, TP.Hải Phòng và các tỉnh ven biển) được thực hiện trước khi Luật PPP ban hành. Thời điểm đó chưa có các quy định pháp luật ràng buộc về tỷ lệ phần vốn của Nhà nước tham gia dự án.
“Trong quá trình triển khai thực hiện dự án do ảnh hưởng của các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (như COVID-19, xung đột, khan hiếm nguyên vật liệu, giá cả tăng cao, chi phí nhân công, chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn...) dẫn đến chi phí thực hiện dự án tăng cao. Trong khi, chủ yếu tăng vào phần khối lượng do phần vốn Nhà nước đảm nhận, tăng lên 80% so với tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Như vậy nếu theo Tờ trình của Chính phủ, chỉ tăng phần vốn Nhà nước lên 70% thì cũng không tháo gỡ tồn tại, vướng mắc của dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình”, ông Hoàn nêu.