Đại biểu đề nghị Quốc hội giám sát 2 gói hỗ trợ do dịch COVID-19
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cần giám sát gói hỗ trợ do dịch COVID-19 năm 2020 là 62 nghìn tỷ đồng và năm 2021 là 26 nghìn tỷ đồng.
Sáng 21/7,tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Quốc hội (BĐQH) Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) đồng tình với 4 chuyên đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trong tờ trình.
Tuy nhiên, đại biểu Ngân cho rằng đến nay dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và có thể tiếp tục tái đi tái lại cho đến năm 2022 nên vấn đề đảm bảo an sinh xã hội là rất quan trọng.
“Do đó cần có giám sát về gói hỗ trợ năm 2020 là 62.000 tỷ đồng và năm nay là 26.000 tỷ đồng, rất mong Quốc hội xem xét”, đại biểu Ngân đề nghị.
Về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá rất sát những bài học rút ra từ quá trình thực hiện các đoàn giám sát vừa qua.
Đại biểu Ngân kiến nghị, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp cho nên khả năng gây khó khăn cho các đoàn giám sát trong thời gian tới.
Do đó, khi thực hiện các đoàn giám sát, đề nghị có những kịch bản do việc giãn cách, đi lại. Việc bố trí nhân sự cho các đoàn giám sát phải là danh sách mở, tức là khi có sự việc ở một khu vực thì có thể phân công một người ở khu vực đó làm đại diện đoàn giám sát.
Về tài liệu giám sát, đại biểu Ngân cho rằng thời gian qua các báo cáo của các đơn vị gửi về khi tham gia đoàn giám sát không đảm bảo về mặt chất lượng. Ông kiến nghị khâu tiền giám sát phải có đầy đủ số liệu báo cáo, gửi sớm về các thành viên tham gia trong đoàn giám sát.
“Nếu được các báo cáo đó chúng ta sẽ nhờ các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia về lĩnh vực đó để thẩm định từ vấn thêm cho đoàn giám sát để khi đến địa điểm giám sát chúng ta có đầy đủ cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học thì giám sát sẽ hiệu quả hơn", ông Ngân nói.
Về hậu giám sát, ĐBQH Trần Hoàng Ngân nêu thực trạng vừa qua báo cáo việc này rất ít, có nhiều đoàn giám sát không biết địa phương, đơn vị đã thực hiện những vấn đề được chỉ ra trong quá trình giám sát thế nào.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ rõ điều này tại một số cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần lưu ý và triển khai”, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết.
Vị đại biểu đoàn TP.HCM cũng kiến nghị Quốc hội cần sớm xây dựng quy trình cho ĐBQH, tổ ĐBQH thực hiện việc tự giám sát. Theo ông, thời gian qua việc thực hiện quyền giám sát của ĐBQH còn có sự lúng túng.
“Cần xây dựng quy trình để một hay hai ĐBQH cũng có thể tự giám sát khi phát hiện được vấn đề nóng và cần phải có sự giám sát”, ông Ngân nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cảm ơn Quốc hội đã đồng ý việc gỡ bỏ khu cách ly tại 19 đoàn BĐQH của các tỉnh miền Nam với hơn 180 ĐBQH.
Ông mong muốn tất cả các đại biểu Quốc hội trong hội trường chấp hành nghiêm túc nhất nguyên tắc 5K và phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng dịch của Quốc hội.
“Chúng ta cố gắng hy sinh, giảm cái đẹp, để đảm bảo sự an toàn. Không chỉ trong khu cách ly này mà tôi còn lo lắng khi vẫn tiếp xúc với bên ngoài”, đại biểu Ngân bày tỏ.