Đại biểu đề nghị thành lập quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng xin ghi nhận
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến ngày 26/5, đã có 506.000 người mất việc, giãn việc, thiếu việc, trong đó, khoảng 270.000 người mất việc do cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất.
Trong phiên chất vấn Nghị trường với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ngày 6/6, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực và tình trạng thất nghiệp của lao động khi hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.
Tỷ lệ thất nghiệp quý 1/2023 ở ngưỡng thấp
Chất vấn về chất lượng lao động, đại biểu Tô Văn Tám - đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết, tiêu chí đánh giá trình độ hiện nay là trên văn bằng chứng chỉ. Trong khi đó tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam chưa cao. Tuy nhiên, thực tế có một bộ phận lao động chưa qua đào tạo trường lớp vẫn tạo ra năng suất lao động. Họ có những kỹ năng làm việc, chỉ là hiện nay thiếu những công cụ đánh giá năng lực.
Do vậy, đại biểu Tám đề nghị Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này? Liệu có cần thiết xây dựng công cụ để đánh giá năng lực của bộ phận lao động này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng chứng chỉ, văn bằng chỉ là một nội dung đánh giá, quan trọng nhất là nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng tinh thông nghề nghiệp và hiệu quả công việc của người lao động.
"Thực tiễn, có lao động không có chứng chỉ nhưng tay nghề rất cao. Như nghề đúc đồng ở Ý Yên - Nam Định, nhiều người không có chứng chỉ nhưng tay nghề rất cao. Chúng tôi cũng trăn trở suy nghĩ, tại sao không tổ chức cách thức cấp chứng chỉ cho những người này. Những vấn đề này chúng tôi đang nghiên cứu,
Bộ trưởng tán thành với quan điểm của đại biểu, cần có một cách nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn, cần có công cụ, tiêu chí đánh giá để xác định về chất lượng lao động cũng như tiêu chuẩn công nhận chứng chỉ, bằng cấp trong gian tới.
Về tình trạng lao động gặp khó khăn, đại biểu Bố Thị Xuân Linh - đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nêu vấn đề, đánh giá về quy mô lao động việc làm tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn mất cân đối lớn, thị trường phục hồi chậm dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn như thiếu việc làm, sức lao động chưa được tận dụng, phát huy và khai thác hợp lý. Điều này dẫn đến việc di chuyển nguồn lao động từ địa phương này đến địa phương khác còn ở mức cao, chi phí sức lao động lớn song hiệu quả lao động vẫn còn thấp và lãng phí. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề nêu trên.
Liên quan đến tình trạng thiếu việc làm mà đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Dung cho biết, bình quân tỷ lệ thất nghiệp quý 1/2023 là 2,25%. Ở thời điểm hiện tại, theo ông Dung, tỷ lệ thất nghiệp có gia tăng nhưng không phải riêng Việt Nam.
"Tỷ lệ thất nghiệp quý 1/2023 của Việt Nam so với các quốc gia ở ngưỡng thấp", Bộ trưởng khẳng định.
Thông tin thêm, Bộ trưởng Dung cho biết, ngày 26/5 đã có thống kê, báo cáo chính thức, con số lao động mất việc, giãn việc, thiếu việc làm do tình trạng cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi lực lượng lao động và do các yếu tố khác là khoảng 506.000 người, trong đó, khoảng 270.000 người mất việc.
Sẽ suy nghĩ thấu đáo việc lập Quỹ hỗ trợ người lao động
Về công tác an sinh xã hội, đại biểu Trịnh Minh Bình - đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm 2023 là năm bản lề của việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để triển khai tốt công tác an sinh xã hội trong năm 2023 và thời gian tới?
Đại biểu Tráng A Dương - đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cũng nêu tình trạng lao động mất việc làm và rút bảo hiểm xã hội một lần đã ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ có nên thành lập một quỹ nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng cho biết bình quân trước đây chỉ hỗ trợ trực tiếp khoảng một triệu người do tác động thiên tai, dịch bệnh. Nhưng 2-3 năm qua, đã hỗ trợ được 68 triệu lượt người.
Theo Bộ trưởng, thời gian tới, cơ quan quản lý cần dự báo được tình hình từ nay đến cuối năm và năm 2024, suy nghĩ các chiến lược an sinh xã hội, xin ý kiến cấp có thẩm quyền ở thời điểm thích hợp nhất, đúng lúc nhất.
Về ý kiến việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng tình đó là một trong các giải pháp. Để giảm việc tiến tới không rút bảo hiểm một lần thì cần nhiều giải pháp liên quan, đặc biệt là tạo thu nhập, công ăn việc làm tốt hơn. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
"Việc thành lập Quỹ, chúng tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo vấn đề này. Thành lập một quỹ nào đó, nhất là liên quan vấn đề lớn phải có đánh giá tác động kỹ lưỡng, hiệu quả ra sao và báo cáo với cấp có thẩm quyền, thậm chí là Quốc hội cho phép. Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến này của đại biểu", Bộ trưởng nhấn mạnh