Đại biểu đề xuất ngăn ngừa nạn mua bán người từ việc đẻ thuê, nhận con nuôi

Các đại biểu đề xuất bổ sung hành vi lợi dụng hoạt động nhận con nuôi để phạm tội vào dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Chiều 9-4, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Tại hội thảo, những vấn đề về việc hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân bị mua bán, quyền của trẻ em được sinh ra ở nước ngoài khi người mẹ bị mua bán,... được nhiều ĐB đề cập và kiến nghị.

 Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo góp ý dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo góp ý dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Lạm dụng việc nhận con nuôi để mua bán trẻ em

Góp ý tại hội thảo, Luật sư Trương Thị Hòa đánh giá, hiện nay loại tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, đa dạng, xuyên quốc gia và không dừng lại ở nạn nhân là phụ nữ và trẻ em mà còn có cả nam giới.

Vì thế, bà nhận định việc đến 1-7-2024 Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) mới có hiệu lực là rất lâu, trong khi đây là luật rất cần thiết.

Về vấn nạn mua bán trẻ em, luật sư Hòa cho rằng việc này còn liên quan rất nhiều đến hoạt động nhận con nuôi, lạm dụng việc nhận con nuôi để phạm tội. Hành vi này thường biến tướng đa dạng dưới các hình thức, thủ đoạn tinh vi như mua bán bào thai, đẻ thuê.

 Luật sư Trương Thị Hòa góp ý tại hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Luật sư Trương Thị Hòa góp ý tại hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Do đó, bà đề xuất bổ sung hành vi lợi dụng hoạt động nhận con nuôi để phạm tội vào dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) để tương thích với các luật khác và cả luật pháp quốc tế. Bà khẳng định, việc bổ sung điều khoản này là hết sức cần thiết và cấp bách.

Từ vụ việc mất tích của hai cháu bé ở phố đi bộ Nguyễn Huệ vừa qua, Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng nội dung thông tin tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người cần thể hiện sự phối hợp đồng bộ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ.

Bà nhìn nhận việc này giúp xã hội nhận thức được các nguyên nhân phát sinh tội phạm mua bán người, đồng thời nhận thức được phương thức, thủ đoạn của tổ chức phạm tội để biết được dấu hiệu, nguy cơ có thể trở thành nạn nhân.

13 năm, TP.HCM tiếp nhận 25 nạn nhân bị mua bán

Ông Trần Nhật Quang, đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho rằng TP.HCM với đặc thù là đầu mối giao thương của cả nước và quốc tế nên thường được chọn là nơi tập kết, trung chuyển, đưa người ra nước ngoài, thực hiện hành vi mua bán.

“Từ khi thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đến nay, TP.HCM chỉ tiếp nhận 25 nạn nhân bị mua bán. Chủ yếu tiếp nhận để thực hiện thủ tục ban đầu”- ông Quang nói và thông tin trong 25 nạn nhân, có 19 người là người ngoài tỉnh và sáu người là người TP.HCM.

 Ông Trần Nhật Quang, đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, góp ý tại hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Trần Nhật Quang, đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, góp ý tại hội thảo. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo ông Quang, đa số các nạn nhân khi trở về đều mang tâm lý lo lắng, trầm cảm. Do đó, ông đề xuất cần bổ sung quy định hỗ trợ tư vấn tâm lý ban đầu cho nạn nhân để đảm bảo việc cung cấp lời khai cho các cơ quan chức năng được thuận lợi, chính xác.

Đồng tình, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, đề xuất cần có quy định cụ thể việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ những phụ nữ bị mua bán trở về.

Bà Loan cũng đề xuất có quy định rõ ràng về quyền của trẻ em được sinh ra ở nước ngoài trong quá trình người mẹ bị mua bán.

 Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM góp ý. Ảnh: HỒNG THẮM

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM góp ý. Ảnh: HỒNG THẮM

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM, nêu thực tế có những trường hợp phụ nữ bị bán ra nước ngoài nhưng lúc phát hiện và giải cứu được thì họ đã có con, vậy người con đó có được xác định là nạn nhân không?

“Nếu ta xác định người con đó không phải là nạn nhân thì những đứa bé này không được hưởng chế độ hỗ trợ. Như thế những trợ giúp pháp lý, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng sẽ bị bỏ sót” - ông Hà nói.

Ông Hà đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm những trường hợp này vào trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Công an để có phương án hỗ trợ.

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Hà Phước Thắng cho biết đơn vị sẽ tổng hợp các kiến nghị để báo cáo về Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan liên quan để nghiên cứu, đồng thời đưa ra thảo luận trước nghị trường trong thời gian tới.

BẢO PHƯƠNG

HỒNG THẮM

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-bieu-de-xuat-ngan-ngua-nan-mua-ban-nguoi-tu-viec-de-thue-nhan-con-nuoi-post784661.html