Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà: Cần quy định lựa chọn thầu đối với DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ

Sáng 24/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Có nhiều ý kiến đại biểu về các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp (DN) nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước, trong đó có đại biểu Đỗ Thị Việt Hà của Đoàn Bắc Giang.

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Đấu thầu, các tài liệu trong hồ sơ trình dự án Luật, quy định của pháp luật hiện hành có liên quan, tình hình thực tiễn, tôi có ý kiến tham gia đối với 2 nội dung:

Về đối tượng áp dụng Luật đấu thầu là DN nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước tại khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật. Đây là nội dung có thay đổi so với Luật Đấu thầu hiện hành cũng như dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đã trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và theo Báo cáo số 481 ngày 22/5/2023 của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) tại kỳ họp này cho thấy đây là nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau và đã đưa ra 2 phương án đề nghị các ĐBQH cho ý kiến.

Tôi cho rằng nên quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện “Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của DN nhà nước theo quy định của Luật DN và DN có vốn của DN nhà nước trên 50% vốn điều lệ” vì ngoài các lý do đã được nêu trong Báo cáo 481 của UBTV Quốc hội đối với phương án này, tôi thấy còn có các lý do sau:

Thứ nhất, trong thực tế có nhiều DN nhà nước sử dụng vốn của mình để thành lập các pháp nhân (Công ty con) phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Tại Báo cáo số 481 của UBTV Quốc hội đã nêu “Qua tổng hợp số liệu khảo sát của Ủy ban Tài chính ngân sách đối với 13 tập đoàn, tổng công ty cho thấy, số dự án thực hiện đấu thầu ở công ty mẹ chỉ chiếm 17%, 83% còn lại được thực hiện ở các công ty con, trong đó số dự án đấu thầu của các công ty con là DN có vốn của DN nhà nước 100% vốn điều lệ là 65%; số dự án được đấu thầu của công ty con là DN có vốn của DN nhà nước có từ 50% đến 99% vốn điều lệ là 18%”.

Tôi nhận thấy, với quan điểm nơi đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; do vậy với những DN mà ở đó quyền chi phối thuộc về DN nhà nước thì vẫn phải cần áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn Nhà nước để bảo đảm tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời sẽ quản lý được chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của DN nhà nước và nguồn vốn của DN nhà nước đầu tư, góp vốn vào các DN khác mà DN nhà nước nắm quyền chi phối và sẽ giữ được vai trò điều tiết, trụ cột cho nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Đỗ Thị Việt Hà.

Thứ hai, hiện nay quy định của pháp luật về đấu thầu và nhất là ngay trong dự thảo Luật này cũng đã có những quy định về đấu thầu rất rõ ràng, minh bạch; quy trình, thủ tục hành chính đã thông thoáng, dễ thực hiện; thời gian tổ chức đấu thầu đã được giảm… nên việc áp dụng Luật đấu thầu để thực hiện các gói thầu không mất nhiều thời gian, thuận lợi cho quá trình thực hiện đấu thầu. Do đó sẽ không làm giảm khả năng linh hoạt hay bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, hay khả năng chớp thời cơ của DN nhà nước.

Qua đấu thầu sẽ lựa chọn được các nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm và hiệu quả kinh tế mang lại cho Nhà nước, cho DN sẽ là rất lớn thông qua hoạt động quản lý tốt công tác lựa chọn nhà thầu đảm bảo công bằng, minh bạch.

Về áp dụng Luật Đấu thầu, các luật có liên quan và điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài được quy định tại Điều 3 dự thảo Luật.

(i) Khoản 1 quy định “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành về hình thức lựa chọn nhà thầu; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; trình tự, thủ tục đấu thầu; ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều". Đây cũng là nội dung khác so với Luật hiện hành và dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và tôi cho rằng nội dung quy định nêu trên là không cần thiết, chưa rõ ràng, chưa phù hợp, chồng chéo với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định rất rõ “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Theo đó cho thấy quy định của khoản 1 là không cần thiết vì theo khoản 3 Điều 156 nêu trên đã có quy định rất rõ ràng về nguyên tắc áp dụng, nếu tiếp tục quy định sẽ là chồng chéo.

Mặt khác, quy định của khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật nêu trên chưa rõ ràng ở chỗ chỉ có các nội dung về hình thức lựa chọn nhà thầu; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; trình tự, thủ tục đấu thầu; ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật này trong trường hợp các Luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực có quy định khác. Vậy các nội dung khác được quy định trong dự thảo Luật này nếu đã được quy định ở các Luật khác ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng Luật nào?; đồng thời việc loại trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này cũng thể hiện sự chưa phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, tôi cho rằng không nên quy định nội dung khoản 1 Điều 3 như dự thảo, nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định rất rõ tại Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

(ii) Khoản 5 Điều 3 dự thảo quy định “Việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự án có sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo điều ước quốc tế và Cộng hóa XHCN Việt Nam là thành viên, thỏa thuận vay thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế, thỏa thuận vay đó. Trường hợp điều ước quốc tế, thỏa thuận vay không quy định hoặc quy định phải áp dụng pháp luật Việt Nam thì áp dụng Luật này”. Về nội dung này, nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan tôi nhận thấy:

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tại Khoản 5 Điều 156 về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có quy định “Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hóa XNCN Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp”. Như vậy theo quy định này chỉ quy định điều ước quốc tế, không quy định thỏa thuận vay.

Luật Thỏa thuận quốc tế, tại khoản 2 Điều 1 quy định “Luật này không điều chỉnh việc ký kết, thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài”; Nghị định 114 của Chính phủ về quản lý và sử dụng ODA, tại khoản 13 Điều 3 quy định “Thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi là văn bản thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi được ký kết nhân danh Chính phủ Cộng hòa XNCN Việt Nam, không phải là điều ước quốc tế”.

Theo các quy định nêu trên cho thấy, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi không phải là điều ước quốc tế, không phải là thỏa thuận quốc tế. Do đó việc áp dụng quy định về lựa chọn nhà thầu tại thỏa thuận thay cho pháp luật Việt Nam như khoản 5 Điều 3 dự thảo Luật nêu trên là chưa phù hợp. Đề nghị nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng hơn về việc quy định đối với vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo hình thức “thỏa thuận vay” trong quy định nêu trên để bảo đảm phù hợp, thống nhất với một số quy định của pháp luật hiện hành.

TS

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/405298/dai-bieu-do-thi-viet-ha-can-quy-dinh-lua-chon-thau-doi-voi-dn-do-nha-nuoc-nam-giu-tren-50-von-dieu-le.html