Đại biểu HĐND Bình Dương yêu cầu gỡ nút thắt để doanh nghiệp phát triển

Ngày 21/7, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn. Những khó khăn của doanh nghiệp dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế của 'thủ phủ' công nghiệp Bình Dương giảm đã được đem ra phân tích, tìm giải pháp tháo gỡ.

Hỗ trợ tìm kiếm đơn hàng, giảm thuế

Sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh nghiệp lại tiếp tục bị mất đơn hàng do lạm phát, chiến tranh Nga-Ukraine. Mặc dù các doanh nghiệp ở Bình Dương đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng tình hình vẫn "dậm chân tại chỗ".

Khó khăn của doanh nghiệp đã kéo theo các chỉ tiêu kinh tế của “thủ phủ” công nghiệp Bình Dương sụt giảm. Trong 6 tháng qua, tổng sản phẩm GRDP Bình Dương chỉ tăng 3,76%, trong khi đó cùng kỳ năm 2022 đạt 6,86%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15 tỷ USD, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,78 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Nguyên mong muốn có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm đơn hàng (ảnh: TL).

Đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Nguyên mong muốn có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm đơn hàng (ảnh: TL).

Đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Nguyên và Huỳnh Trần Phi Long đặt vấn đề: "Không có đơn hàng sẽ làm giảm quy mô giờ làm, giảm số lượng công nhân, việc này ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Các sở, ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp tăng cường đơn hàng" và "Thời gian qua, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu, chi phí duy trì gần như cạn kiệt. Vậy tỉnh có chính sách, giải pháp về giảm thuế, khấu trừ thuế hoặc miễn thuế cho doanh nghiệp”.

Liên quan đến việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, ông Lê Thành Quý, Cục phó Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho biết, thực hiện các nghị quyết, nghị định đã được ban hành, Cục Thuế Bình Dương đã giảm, gia hạn hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp. Đơn vị cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng thanh toán điện tử để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp: "Trong thời gian tới, việc giám sát, kiểm soát toàn bộ hồ sơ, xử lí thủ tục đúng luật, đúng hạn, hỗ trợ nhanh nhất để người nộp thuế thực hiện các chính sách pháp luật thuế, thực hiện hoàn thuế, giảm, gia hạn kịp thời để hỗ trợ cho người nộp thuế có nguồn vốn phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh".

Cục Thuế tỉnh Bình Dương hướng dẫn trực tuyến cho doanh nghiệp về các quy định liên quan đến lĩnh vực thuế (ảnh: TL).

Cục Thuế tỉnh Bình Dương hướng dẫn trực tuyến cho doanh nghiệp về các quy định liên quan đến lĩnh vực thuế (ảnh: TL).

Đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm đơn hàng, hiện nay, Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Dương đang tìm các giải pháp thông qua việc tăng cường tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ra Nam Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu trên các sàn giao dịch điện tử, tổ chức kết nối cung cầu tìm đơn hàng trong nước.

Cần tháo gỡ khó khăn nội tại

Không chỉ bị ảnh hưởng của chiến tranh, lạm phát, các doanh nghiệp ở Bình Dương còn nhiều vướng mắc trong nội tại, đó là gặp khó trong thủ tục cấp phép phòng cháy chữa cháy, chậm cấp phép cho người lao động nước ngoài… Những vấn đề này đã kiềm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương trả lời chất vấn liên quan đến chậm cấp phép cho lao động nước ngoài (ảnh: TL).

Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương trả lời chất vấn liên quan đến chậm cấp phép cho lao động nước ngoài (ảnh: TL).

Theo đại biểu HĐND Nguyễn Thị Tuyết Nhung, hiện nay, doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin cấp lại giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, nên khó được gia hạn visa, bị xử phạt vi phạm, ảnh hưởng đến hồ sơ xuất, nhập cảnh của lao động nước ngoài.

Ông Trịnh Đức Tài, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương thừa nhận, thời gian qua có xảy ra việc chậm trễ cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài. Nguyên nhân do Nghị định số 152/2020 của Chính phủ có nhiều nội dung bất cập, nhất là quy định về xác nhận kinh nghiệm làm việc, thời gian, các mẫu hồ sơ...

Bình Dương đang tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có thêm các đơn hàng mới (ảnh: TL).

Bình Dương đang tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có thêm các đơn hàng mới (ảnh: TL).

Mặt khác, hồ sơ xin cấp phép tăng cao trong khi cán bộ thiếu và mới nên phải làm kỹ lưỡng để tránh sai sót. Một số doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ quy định dẫn đến hồ sơ thiếu nhiều giấy tờ, buộc phải trả lại để bổ sung. Ông Trịnh Đức Tài khẳng định, Sở rất trăn trở và đang rà soát từng khâu vướng mắc để tháo gỡ: “Chúng tôi sẽ sắp xếp, bố trí đội ngũ thực hiện nhiệm vụ ngày càng chuyên nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài thực hiện đầy đủ, đúng quy định theo Nghị định số 152 của Chính phủ; thường xuyên tổ chức gặp gỡ các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc”.

Công an tỉnh Bình Dương đã có những buổi hướng dẫn để doanh nghiệp gỡ vướng về các quy định PCCC (ảnh: TL).

Công an tỉnh Bình Dương đã có những buổi hướng dẫn để doanh nghiệp gỡ vướng về các quy định PCCC (ảnh: TL).

Liên quan đến vướng mắc về phòng cháy chữa cháy, qua thống kê, Bình Dương có 1.065 cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, đến nay đã khắc phục 461 cơ sở. Công an tỉnh Bình Dương đang làm việc trực tiếp, hướng dẫn cơ sở khắc phục để sớm đưa nhà máy vào hoạt động.

Một số vấn đề khác như doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, không đủ lực di dời nhà máy từ phía Nam lên các khu công nghiệp phía Bắc cũng được đại biểu HĐND tỉnh đặt ra, được "thủ lĩnh" các ngành giải đáp và đưa ra các giải pháp tháo gỡ./.

Thiên Lý/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/dai-bieu-hdnd-binh-duong-yeu-cau-go-nut-that-de-doanh-nghiep-phat-trien-post1034281.vov