Đại biểu Hoàng Văn Cường: Cần một Nghị quyết chung cho cơ chế đặc thù
Đến lúc Quốc hội cần rà soát để chủ động có Nghị quyết chung 'cởi trói' cho các vấn đề đang gặp vướng thay vì ngồi chờ các địa phương, ngành xin 'cởi' từng tý.
Ngày 16/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Góp ý tại tổ và thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn TP. Hà Nội đồng ý nên có Nghị quyết để công tác triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được nhanh hơn.
Liên quan đến thí điểm phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phải có tiêu chí cụ thể để từ đó lựa chọn huyện thực hiện thí điểm.
Chia sẻ về vấn đề ban hành Nghị quyết cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, theo đại biểu Hoàng Văn Cường: Từ đầu kỳ họp của Quốc hội khóa XV, không kỳ họp nào mà chúng ta không thông qua một Nghị quyết, càng ngày số lượng càng nhiều và "đặc thù" đã trở thành "phổ biến”.
“Đầu tiên là cho địa phương, sau đó là cho các dự án, giờ cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, rồi cơ chế đặc thù lồng vào Nghị quyết phục hồi kinh tế. Bất kể có điều kiện là chúng ta lồng “đặc thù” vào. Như vậy “đặc thù” đã dần trở thành khá "phổ biến”- đại biểu Hoàng Văn Cường nhận xét.
Vị đại biểu này cũng cho hay, có 2 loại đặc thù. Thứ nhất, trước đây phân cho địa phương hình thành một số cơ chế chính sách mới mà chúng ta chưa có thì hầu như thực hiện không được nhiều.
Thứ hai, cơ chế đặc thù hầu hết được ban hành và thực hiện khá tốt là đặc thù về phương thức thực hiện. Điển hình như dự án đường vành đai 4 của Hà Nội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi,phải chăng các cơ chế chính sách của chúng ta đang trói buộc, giờ chúng ta cứ ban hành cơ chế, chính sách sau đó cởi từng tý một?
“Tôi tin rằng, kỳ họp sau sẽ có một cơ chế khác cho một chương trình, dự án khác, cho địa phương khác mà chúng ta chưa biết sẽ được đưa ra? Chúng ta cứ ngồi đây chờ để cho địa phương, cho các cơ quan thực hiện thấy khó khăn, thấy vướng rồi xin, xin lại cởi từng tý một” – đại biểu Hoàng Văn Cường nói và đề xuất “Tại sao chúng ta không chủ động xem xét các vấn đề hiện nay đang thưc hiện vướng ở đâu, ở cái gì? Để chúng ta đưa ra một nghị quyết, một cơ chế tháo gỡ luôn. Như vậy không còn chuyện phải chờ để xin và không phải ban hành nhiều nghị quyết đặc thù nữa”.
Đại biểu Hoàng Văn Cường dẫn chứng, Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong đó cán bộ đề xuất kế hoạch, phương án và trình cấp trên, cấp trên phê duyệt phương án đó là thực hiện được, đảm bảo không tư lợi, chỉ giải quyết các vấn đề phù hợp thực tế, nhưng sẽ không cấp trên nào dám phê duyệt bởi Nghị quyết có nội dung “Các cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật”.
“Chúng ta đang đề xuất cách làm khác đi do vướng bởi quy định của cơ chế, chính sách nhưng có “câu đó” thì ai dám làm, triệt tiêu luôn sự sáng tạo, đổi mới”- đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định.
Đại biểu đề nghị Quốc hội là cơ quan có quyền quyết định vấn đề này phải chủ động tháo gỡ và mong muốn Quốc hội hãy có một nghị quyết riêng hoặc lồng ghép cho phép cơ quan trong quá trình thực thi được phép lựa chọn, vận dụng các quy định của pháp luật phù hợp nhất, hiệu quả nhất, trên cơ sở có một cơ chế để giải trình trước khi thực hiện và sẽ có hoạt động giám sát. Đổi mới sáng tạo trước hết phải đổi mới cơ chế, đổi mới cách làm. Nếu làm được như vậy sẽ giảm rất nhiều cơ chế đặc thù và giảm lượng cán bộ cứ ngồi đó chờ cơ chế.