Đại biểu 'hụt hẫng và tiếc nuối' khi đầu tư công toàn bộ đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Đây là ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) tại phiên thảo luận trực tuyến của về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 chiều ngày 10/1, trong khuôn khổ kỳ họp bất thường của Quốc hội…
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn
Tại phiên thảo luận, dù nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phương thức đầu tư thực hiện 12 dự án thành phần lần này bằng nguồn vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế cần phục hồi nhanh, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng đây là “giải pháp cực chẳng đã”.
CƠ CHẾ VÀ CHÍNH SÁCH CHƯA ĐỦ HẤP DẪN TƯ NHÂN
“Tôi và nhiều cử tri có chung một cảm giác là hụt hẫng và tiếc nuối. Đành rằng, khi người dân và các doanh nghiệp tư nhân không làm thì Nhà nước phải làm, đó là điều hợp lẽ. Nhưng tôi nghĩ rằng việc xây dựng một tuyến đường cao tốc có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế - xã hội rất cần thiết nên là một biểu tượng của ý Đảng, lòng dân, của vai trò dẫn dắt, điều hành của Chính phủ và sự chung tay của khu vực tư nhân nhưng chúng ta chưa thực hiện được điều này”, đại biểu Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Theo ông, đối tác công - tư (PPP) chính là phương thức để thực hiện được công thức đó và Việt Nam đã có rất nhiều những kinh nghiệm thành công trong việc thực hiện đối tác công tư thời gian qua. Đảng đã có chủ trương về thúc đẩy đối tác công tư, còn Quốc hội đã ban hành luật về đối tác công tư vào năm 2020. Tuy nhiên, ngay sau khi Quốc hội ban hành luật về đối tác công tư thì lập tức 2 lần Quốc hội phải điều chỉnh các dự án đối tác công tư quay trở lại đầu tư công.
“Tôi cho đây là sự không thành công chính sách của chúng ta. Việc này lỗi không phải do phương thức đối tác công tư mà chính là do trong cơ chế, chính sách chúng ta thiết kế chưa đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân và chúng ta chưa tìm được điểm hòa trong chính sách. Chính vì vậy, chúng ta đã chưa thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào các dự án này”, đại biểu đoàn Hà Nội nhận xét.
Trong khi đó, đầu tư theo phương thức đối tác công tư là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và cũng là phương thức để thực hiện các mục tiêu khác.
Do đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị khi thực hiện các dự án khác và các dự án thành phần tiếp theo của dự án cao tốc Bắc Nam phải đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật và chính sách để thu hút đầu tư tư nhân tham gia.
“Để tiếp sức cho đầu tư tư nhân có thể tham gia vào điều này, tôi cũng đề nghị Chính phủ nên thành lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để có thể cho nhà đầu tư tư nhân vay để xây dựng các cơ sở hạ tầng về giao thông, thay vì nhà nước tự mình phải đầu tư. Việc này chúng ta có thể chuyển một phần vốn đầu tư công sang để thực hiện quỹ này để hỗ trợ cho đầu tư tư nhân”, đại biểu kiến nghị.
Bên cạnh phương thức đầu tư, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng quan tâm tới việc khai thác và vận hành các tuyến đường thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam, trong đó có phương thức chuyển giao quyền thu hồi phí. Tuy nhiên, ông cho rằng chất lượng các công trình giao thông sẽ quyết định phương thức này có hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân hay không. Do đó, đại biểu đề nghị phải đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức thực thi và đảm bảo chất lượng các dự án này.
ĐỀ NGHỊ TÁCH RIÊNG PHẦN GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG
Cũng tham gia đóng góp ý kiến về nội dung này, tại điểm cầu Hà Giang, đại biểu Hoàng Ngọc Định đồng tình, nhất trí với sự cần thiết của Dự án; nhấn mạnh tuyến đường cao tốc Bắc - Nam có vai trò là trục xương sống, do đó, rất cần thiết phải đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc - Nam để phục hồi và phát triển kinh tế nhanh.
Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công để bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là có cơ sở, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước để đầu tư cho các dự án giao thông.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định phát biểu từ điểm cầu đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang - Ảnh: Quochoi.vn
Cũng đồng tình với kiến nghị của Chính phủ về phương thức đầu tư công toàn bộ dự án này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc kêu gọi đầu tư theo phương thức hợp tác công – tư ở thời điểm rất khó cho nhà đầu tư vì với họ hiệu quả nhiều hơn rủi ro. Do đó, nếu tiếp tục kêu gọi sẽ kéo dài thời gian, không hoàn thành mục tiêu của dự án đề ra, nhưng nếu không kêu gọi đầu tư thì chưa đúng theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội về xã hội hóa trong kế hoạch đầu tư.
“Để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước, việc Chính phủ đề xuất triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn cho Nhà nước là ý tưởng hoàn toàn có thể được, mặc dù chưa có tiền lệ, chưa có cơ chế về chính sách này”, đại biểu Hòa nêu ý kiến và đề nghị Quốc hội đồng tình để Chính phủ triển khai thực hiện từ lúc này cho các bộ, ngành chuyên môn có thời gian chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần thiết khi dự án hoàn thành sẽ thực hiện ngay, với điều kiện là các dự án này là các nhà đầu tư chuyển nhượng phải thu phí không dừng.
Ông cũng lưu ý Chính phủ cần quan tâm về giải pháp thu phí không dừng bởi hiện tại hoạt động này còn hạn chế, nếu chuyển nhượng quyền dự án sau này cho chủ đầu tư mà không có giải pháp căn cơ từ đầu thì sẽ khó về sau và ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của người dân cùng với phương tiện qua lại đoạn đường này.
Trong khi đó, nhiều đại biểu đề nghị nghị tách riêng gói giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư này để giảm tổng mức đầu tư, theo đó phương án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư sẽ khả thi hơn.
“Tờ trình đề nghị là chuyển sang đầu tư công toàn bộ. Tôi đồng tình đầu tư công thì nhanh hơn, tuy nhiên vẫn có 4 dự án có khả năng đầu tư được PPP. Tuy nhiên, vướng là do tỷ lệ đầu tư nhà nước có thể cao, 54 đến 65% và chúng ta sợ rằng không huy động được nguồn vốn”, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chỉ ra.
Theo ông, nhiều đại biểu đã đề nghị tách riêng gói giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, khi tổng mức đầu tư sẽ giảm đi và toàn bộ phần giải phóng mặt bằng nhà nước sẽ bỏ ra để giải phóng riêng, phần đầu tư còn lại sẽ không còn nhiều và như vậy sẽ không còn tình trạng phần đầu tư nhà nước vượt lên 50% và như vậy không vướng vào quy định đó.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Ảnh: TTXVN
Theo đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cân nhắc lại về phương án huy động đầu tư PPP bằng cách tách phần giải phóng mặt bằng, không tính vào trong dự án đầu tư.
Ông kiến nghị nên chuyển tiền ngân sách nhà nước dành để đầu tư cho dự án này cho Ngân hàng Đầu tư phát triển để cho các nhà đầu tư vay, từ đó chắc chắn nhà đầu tư tư nhân đó sẽ có nguồn vốn để thực hiện phương án đầu tư PPP và đương nhiên sẽ hoàn trả lại.
“Chúng ta biết rằng nhà đầu tư tự đầu tư, tự vận hành, tự thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần chúng ta đầu tư xong chúng ta cho người khác vận hành vào thu phí trở lại. Vì vậy tôi đề nghị chúng ta nên cân nhắc”, đại biểu đoàn Hà Nội nêu ý kiến.
Phân tích thêm về đề xuất tách giải phóng mặt bằng cho các dự án nói chung, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng nếu làm vậy sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác, bao gồm việc huy động được các nguồn lực khi đấu giá nguồn lực đất đai, giải phóng mặt bằng sạch.