Đại biểu không tán thành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
Chiều 17/11, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Kết quả lấy phiếu cho thấy có 290 đại biểu Quốc hội chọn phương án "chưa cần thiết" (chiếm 60,9% tổng số đại biểu Quốc hội). Số người chọn phương án cần thiết là 96 (19,96%) và 18 người chọn phương án khác; 7 đại biểu không chọn phương án nào.
Nội dung thứ hai được đem ra xin ý kiến là "Trên cơ sở ý kiến thẩm tra và thảo luận của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật".
Kết quả xin ý kiến có 206 đại biểu chọn phương án "không đồng ý" (chiếm 42,83% tổng số đại biểu Quốc hội); 169 đại biểu chọn phương án "đồng ý" (35,14%).
Tại phiên thảo luận sáng cùng ngày, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành luật. Đại biểu đề nghị cần giải trình rõ việc ban hành luật phải dựa trên tình hình thực tiễn trật tự trị an ở cơ sở. Nếu ban hành luật chỉ để giải quyết nhu cầu bố trí việc làm cho 126.000 công an xã khi Pháp lệnh Công an xã hết hiệu lực thì chưa đủ sức thuyết phục.
Một số đại biểu lại cho rằng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng không có chức năng chính danh mà chức năng của lực lượng này là phối hợp. Có đại biểu băn khoăn việc thành lập một lực lượng không có chức năng chính danh thì có cần trụ sở làm việc gây tốn kém, lãng phí hay không.
Giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ bản có nhiều ý kiến tham gia thảo luận nhất trí về việc cần thiết ban hành luật và đề nghị cần chỉnh lý, hoàn thiện hơn nữa, như về vị trí, chức năng, quyền hạn tuyển chọn xây dựng bố trí sử dụng lực lượng; phạm vi, giới hạn phương thức, trách nhiệm trong việc thực hiện quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, được đảm bảo điều kiện hoạt động của lực lượng, đảm bảo tính khả thi và nhu cầu của thực tiễn.
"Những vấn đề đó cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu nghiêm túc, tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự án luật" - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Về một số ý kiến cần làm rõ thêm, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, thực tế ở Việt Nam, lực lượng tham gia đảm bảo an ninh trật tự như trong dự án luật đưa ra đã tồn tại ở ngay những ngày đầu Cách mạng Tháng 8 thành công. Cho đến nay, lực lượng này ngày càng phát huy, phát triển.
Bộ trưởng Bộ Công an dẫn kinh nghiệm của một số nước có sự tham gia của lực lượng này. Ví dụ như Singapore có lực lượng phòng vệ dân sự, tham gia nhiều công việc, như tự nguyện cấp cứu người bị thương, bị nạn ở ngay trên đường phố.
"Ở nước ta, chúng tôi thấy lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự là gọn nhất. Ở Trung Quốc có ít nhất 2 bộ và một số lực lượng khác. Ở Nga, có 7 bộ, cơ quan an ninh. Ở Mỹ cũng có hàng chục cơ quan như vậy"- Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định lực lượng công an chưa bao giờ và cũng chưa từng từ chối hoặc đổ trách nhiệm, thoái thác trách nhiệm cho lực lượng khác trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
"Chúng tôi không có ý xây dựng ra lực lượng này để rồi thoái thác nhiệm vụ, phân cấp cho các lực lượng này làm để lực lượng công an trốn tránh, từ chối trách nhiệm của mình. Chúng tôi không có ý đó" - Đại tướng Tô Lâm khẳng định.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, trong dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở điều chỉnh chính với 3 lực lượng đang tồn tại, trên phạm vi toàn quốc, có lịch sử, được thành lập và tồn tại từ rất lâu. Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, thậm chí có cả luật về những những lực lượng này.
Đối với lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản khác được thành lập, tổ chức hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau và mang tính đặc thù ở các địa phương, không mang tính phổ biến trên toàn quốc, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về tổ chức, hoạt động của các lực lượng này như các đại biểu dẫn chứng đưa ra, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng Chính phủ cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng, toàn diện cả về quy định và thực tiễn để có đủ cơ sở quy định trong luật.
Đồng thời, Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định khi luật được ra đời, sẽ không hạn chế trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc.
Về vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn là về phần tăng chi phí, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: "Chúng tôi thống kê theo quy định, lực lượng dân phòng nếu chúng ta bố trí theo đúng luật quy định là mỗi xóm, mỗi thôn phải có đội 10 người thì con số đó là rất lớn. Tổng cộng sẽ khoảng 2 triệu người, nhưng nếu theo điều chỉnh trong dự án luật này thì sẽ giảm được khoảng 500 người".
Mời độc giả xem thêm video Những màn Chất vấn và trả lời Chất vấn ấn tượng nhất