Đại biểu mổ xẻ nguyên nhân cán bộ sợ sai, không dám làm

Đại biểu Quốc hội nhận định tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức chưa có chuyển biến, thậm chí ngày càng trầm trọng.

Sáng 23-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ, cho ý kiến về các báo cáo liên quan đến kinh tế - xã hội. Tại một số tổ, đại biểu (ĐB) QH cho rằng tình trạng sợ sai, né tránh trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức chưa có chuyển biến.

 Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Thành viên tổ giúp việc cũng bị điều tra, bắt giam

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng sau khi phân tích, thông tin thêm tình hình ngoài các báo cáo của Chính phủ nói rằng: “Vấn đề nổi lên hiện nay là niềm tin của thị trường, tâm lý xã hội và dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức đang trở thành rào cản, thách thức. Nếu không giải quyết được thì rất khó”.

Theo ông Dũng, thể chế phải giải quyết những ách tắc hiện hữu, đồng thời bổ sung, điều chỉnh pháp luật cũng như tạo điều kiện để cán bộ dám nghĩ, dám làm. Cùng với đó, cải cách hành chính và môi trường đầu tư mạnh hơn nữa. Phải làm sao được như ở Trung Quốc, một nhà máy ô tô 5 tỉ USD từ khi khởi công đến hoạt động chỉ mất 11 tháng.

“Người ta làm như vũ bão, còn ở ta cái gì cũng xin-cho, đá lên đá xuống, vòng qua vòng lại thì nhà đầu tư đi chỗ khác thôi” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết hiện có năm tỉnh đã được tháo gỡ vướng mắc tại các dự án. Nếu việc này làm được thêm thì sẽ giúp khơi thông nguồn lực rất lớn.

ĐB Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) dẫn câu chuyện từ địa phương mình và cho hay ở Bình Thuận có vụ việc lúc đầu tính giá đất hơn 4.000 tỉ đồng, tính lần thứ hai còn 2.900 tỉ đồng, lần thứ ba còn 2.200 tỉ đồng và đến lần thứ tư thì chỉ còn 1.500 tỉ đồng. Mà việc này do các cơ quan Trung ương thực hiện.

Hay trong một vụ án hình sự vừa khởi tố, ban đầu từ thất thoát hơn 3.000 tỉ đồng, sau chỉ còn hơn 670 tỉ đồng. “Rất khó khăn, đây chính là yếu tố dẫn đến việc anh em sợ sai, không dám làm. Nhiều người bị khởi tố về tội này dù không chứng minh được yếu tố vụ lợi trong này” - ông Sỹ nói.

Cũng theo ông Sỹ, hiện các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra thì thành phần trong hội đồng thẩm định giá đất, thậm chí tổ giúp việc hội đồng cũng thuộc diện xem xét điều tra, một số bị bắt giam. Trong khi đó, thẩm định giá đất thì công ty tư vấn đi khảo sát, thẩm định, hội đồng chỉ thẩm định lại các bước làm có đúng quy định không.

“Chủ tịch tỉnh là chủ tịch hội đồng thẩm định giá đất có đi khảo sát số liệu đâu, ông chỉ căn cứ số liệu của đơn vị tư vấn nhưng quy trách nhiệm thì quy hết” - ông Sỹ nói.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng 23-5. Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng 23-5. Ảnh: QH

“Gỗ quý vào lò, xót xa lắm”

Còn ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng nếu truy cứu các vụ việc trước đây thì bất cứ cá nhân nào cũng phải “vào lò”. Những sai phạm trước đây một phần cũng do cơ chế, chính sách và mong muốn phát triển của các địa phương. Giờ lật lại thì ít nhiều cũng sai phạm bởi khi kêu gọi đầu tư thì ít nhiều cũng vượt rào, không đúng quy định.

“Củi đưa vào lò hiện nay toàn là loại gỗ quý hiếm, rất xót xa. Nhiều quy định phát huy người dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, chịu trách nhiệm, nêu gương nhưng có làm có sai, không làm không sai, nếu sai, cơ quan chức năng vào cuộc thì bị xử lý. Tôi nghĩ cán bộ làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm cũng có lý do của họ” - ông Hòa bày tỏ và đề nghị cấp có thẩm quyền nên có một “lằn ranh đỏ”.

Cụ thể, nên có quy định bằng văn bản, trong đó cán bộ, doanh nghiệp đã có những việc làm không đúng pháp luật, thu lợi bất chính từ đấu thầu, giao đất không thông qua đấu giá, bắt tay nhau để đấu thầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tác động để tiêu cực... tự giác khai báo và hoàn trả nguồn tiền bất hợp pháp cho Nhà nước. Những người này sẽ được bảo vệ bí mật và được khép lại hồ sơ từ năm 2023 trở về trước, hoạt động, công tác bình thường.

ĐB Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn quá trình triển khai quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm thế nào. “Thời gian qua, báo chí và cả lãnh đạo các tỉnh cũng nói tình trạng đùn đẩy, né tránh, không chịu làm, sợ trách nhiệm ngày càng trầm trọng, trong khi đã có Nghị định 73. Chỗ này cần phải báo cáo QH” - ông Nguyễn Trường Giang nói.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, doanh nghiệp vẫn phản ánh việc xử lý thủ tục hành chính còn trì trệ, người thực thi công vụ còn sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy. “Có những việc trước đây vẫn quyết mà bây giờ không dám quyết, có nhiều việc cứ hỏi lên cấp trên, hỏi cả sang Ủy ban Thường vụ QH” - ông Thanh nói.

“Không có chủ tịch UBND tỉnh, tắc hết”

Lâm Đồng đã hơn 150 ngày không có chủ tịch UBND tỉnh. Hiện chúng tôi chỉ có một phó chủ tịch phụ trách, mà “phụ trách” thì trong luật không có.

Thi đua, khen thưởng hay trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự phải là chủ tịch tỉnh, chủ thể ủy quyền tố tụng hành chính cũng phải là chủ tịch. Chúng tôi đang có trên dưới 60 vụ án hành chính, kể cả sơ thẩm, phúc thẩm là gần 100 vụ nhưng vi phạm hết vì không có ai ủy quyền. Do đó, cần tính toán để có thể giao quyền chủ tịch như trong luật.

Như Lâm Đồng bây giờ, chủ tịch không có mà quyền chủ tịch cũng không. Không có chủ tịch tỉnh nên tắc hết. Từ đầu năm đến nay chúng tôi không có một dự án đầu tư nào cả. Tôi tha thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp khắc phục ngay lỗ hổng pháp lý này. Trong trường hợp không có chủ tịch kéo dài do các cơ chế, quy trình, chính sách của Đảng và Nhà nước thì trong bao nhiêu ngày phải có chế định quyền chủ tịch để thực hiện các vấn đề.

ĐBQH NGUYỄN TẠO (đoàn Lâm Đồng)

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-bieu-mo-xe-nguyen-nhan-can-bo-so-sai-khong-dam-lam-post792168.html