Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị sớm công bố hết dịch Covid-19

Tại phiên thảo luận ở tổ tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 2 trong ngày 6/1, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị sớm công bố hết dịch Covid-19 để phù hợp với tình hình thực tế.

Ngày 6/1, kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên thảo luận ở tổ và thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thảo luận một số vấn đề liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham luận ở tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham luận ở tổ.

Tại phiên thảo luận ở Tổ số 10 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk và Hậu Giang), đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã có tham luận về Nghị quyết số 30/2021/QH15 (Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV).

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Nghị quyết số 30 đã giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai các biện pháp phòng, chống, khống chế sự bùng phát của dịch bệnh. Việt Nam là quốc gia có số liều vắc-xin sử dụng và tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao trên thế giới, với 264 triệu liều vắc-xin.
Tham luận của đại biểu đã đề cập đến một số nội dung, đó là: Tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở khám - chữa bệnh, gây khó khăn trong điều trị và ảnh hưởng đến chất lượng y tế, quyền lợi người bệnh. Cụ thể, về dự toán mua sắm thuốc, đại biểu dẫn chứng, tại Điểm đ, khoản 1, Điều 7 Luật Đấu thầu quy định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của gói thầu chỉ được phát hành để lựa chọn nhà thầu khi có đủ các điều kiện sau đây: “đ) Nội dung, danh mục hàng hóa, dịch vụ và dự toán được người có thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung”. Tuy nhiên, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế lại chưa quy định cụ thể về thẩm quyền phê duyệt dự toán đối với đấu thầu mua thuốc, như vậy chưa đảm bảo thành phần hồ sơ trong công tác đấu thầu (phải có quyết định phê duyệt dự toán).

Từ những lẽ trên, đại biểu đề nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể về việc lập, thẩm định và phê duyệt dự toán mua sắm, quyết định mua sắm làm căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong quá trình đấu thầu thuốc. Đại biểu cũng dẫn chứng quy định về loại hợp đồng đang có những vướng mắc nhất định.

Đối với thuốc gây nghiện, hướng thần, tiền chất, yêu cầu vận chuyển sản phẩm này là rất ngặt nghèo, gây khó khăn cho các địa phương miền núi, vùng xa xôi, vì vậy cần đưa mặt hàng này vào danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương. Thực tế là tại Lào Cai, các gói thầu sản phẩm này đều có rất ít nhà thầu tham gia đấu thầu.

Về thanh toán chi phí khám - chữa bệnh giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám - chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, hiện nhiều cơ sở khám - chữa bệnh đang chi phí vượt tổng mức được thanh toán, nguyên nhân là cùng một hoạt chất thuốc nhưng giá thuốc trúng thầu năm sau lại cao hơn giá năm trước nhưng cơ quan bảo hiểm chỉ chi trả kinh phí theo giá của năm trước liền kề. Chi phí thuốc của phẫu thuật sử dụng phương pháp vô cảm tê chưa được quy định giá. Tại các thông tư của Bộ Y tế không quy định mức giá cụ thể cho các phẫu thuật sử dụng phương pháp gây tê: Gây tê tại chỗ; gây tê vùng, gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng, gây tê đám rối… nên đại biểu đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành định mức và giá cụ thể.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đồng chủ trì phiên thảo luận ở tổ ngày 6/1.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đồng chủ trì phiên thảo luận ở tổ ngày 6/1.

Tham luận về bảo hiểm y tế, đại biểu dẫn chứng báo cáo của Chính phủ cho thấy đến hết quý III/2022, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 87,42% dân số, như vậy chưa đạt mục tiêu Nghị quyết 32/2021/QH15 của Quốc hội đặt ra (tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số), trong đó có nguyên nhân bởi Quyết định 861/QĐ-TTg, Quyết định số 343/QĐ-UBDT, Quyết định 353/2022/QĐ-TTg.

Như vậy, sẽ có khoảng 3,1 triệu người, trong đó có 2,1 triệu người là đồng bào vùng dân tộc thiểu số sẽ không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế do thoát khỏi huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và người dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn nên không được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế. Từ thực tế này, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí kinh phí để hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người nghèo, nông dân thuộc các xã vùng III đã đạt chuẩn nông thôn mới và người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi đến hết năm 2025; đồng thời nghiên cứu, xem xét để sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế để phù hợp với tình hình.

Về thực hiện một số chính sách theo Nghị quyết 30/2021/QH15, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đã đề cập tới một số vướng mắc trong tính toán cho phí điều trị bệnh Covid-19 tại các cơ sở y tế công lập. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thanh toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh theo Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đến khi công bố hết dịch Covid-19.

Về Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống Covid-19, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao, do đó cần sớm chuyển bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B và coi đây là bệnh lưu hành. Đồng thời với đó là thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch sang quản lý bền vững, công bố hết dịch để phù hợp với thực tế tình hình dịch.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363667-dai-bieu-nguyen-thi-lan-anh-de-nghi-som-cong-bo-het-dich-covid19