Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà- Xem xét một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh chưa phù hợp
Chiều 30/5, Quốc hội (QH) nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), sau đó, QH thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết này và dự thảo nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phát biểu thảo luận tại tổ chiều 30/5.
Phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải ban hành các chính sách đặc thù, đặc cách, đặc biệt, xứng đáng với vị thế, vai trò, ý nghĩa của thành phố mang tên Bác. Chính sách mới cần "mang tính đột phá” mạnh mẽ, "vượt trội về chính sách” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; song cũng cần khả thi, phù hợp thực tiễn; có trọng tâm, tránh dàn trải. Cơ chế đột phá cần đi đôi với năng lực thực hiện, khả năng quản lý, điều hành, kiểm soát; bảo đảm tính minh bạch, tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đã phân tích một số nội dung trọng tâm của dự thảo Nghị quyết và đề nghị Ban soạn thảo rà soát, không quy định lại các khái niệm đã có trong các Luật liên quan, tránh mâu thuẫn, chồng chéo như:
Thứ nhất, về quản lý đầu tư, đại biểu cho rằng còn có sự mâu thuẫn chưa phù hợp giữa dự thảo Nghị quyết với các Luật có liên quan như: Việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương để bổ sung kế hoạch đầu tư công; trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng đối với dự án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… đối với nội dung này đã được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và thuộc thẩm quyền quyết định thuộc HĐND Thành phố.
Thứ hai, về quy định liên quan đến thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP Hồ Chí Minh, đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng, rà soát đặc biệt các quy định về Nhà đầu tư chiến lược được hưởng ưu đãi hỗ trợ một phần chi phí của dự án đầu tư từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố là chưa phù hợp với Luật Ngân sách và không tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch.
Thứ ba, liên quan đến tổ chức bộ máy của thành phố thành lập Sở An toàn thực phẩm, đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng vì căn cứ thành lập là chưa thuyết phục, đồng thời chưa phù hợp với yêu cầu cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tinh giản, đồng thời hiệu lực của Nghị quyết chỉ có 5 năm.
Thứ tư, về hiệu lực của Nghị quyết, đề nghị xem xét tính toán hiệu lực của Nghị quyết để phù hợp với một số dự án Luật quan trọng đang trong quá trình sửa đổi, đảm bảo tính thống nhất của Luật, Nghị quyết khi được ban hành.