Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: '3 chân kiềng' của ngành y đều đang lung lay
Mơ ước mơ bình thường của bất kỳ cán bộ y tế là chỉ khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất chứ không phải đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán và nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự.
Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý).
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) đau xót nhắc lại thực trạng và kiến nghị về y tế cơ sở từng được bà đề cập trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 2 cách đây một năm. Song đến nay theo bà Lan “chưa thay đổi gì”. Mà điển hình là tiền lương; phụ cấp cho cán bộ y tế vẫn chưa tăng.
Bà Lan chỉ rõ: “3 chân kiềng” của ngành y tế gồm y tế cơ sở, y tế điều trị và cung ứng thiết bị, vật tư y tế thì cả 3 chân kiềng này đang lung lay. Anh em ngành y tế rất muốn làm nhưng lực bất tòng tâm, chúng ta có chính sách về xã hội hóa và tự chủ bệnh viện nhưng phải nói bệnh viện rất khó tự chủ”- bà Lan nói
Bà Lan cho rằng, tự chủ không phải cắt đi đầu tư của Nhà nước. Mà ngược lại trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần đầu tư cho y tế nhiều hơn, nhưng bên cạnh đó cần mở rộng nguồn đầu tư khác để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Vậy nhưng thực tế, Nhà nước cắt hầu hết khoản chi lương cho bệnh viện tự chủ và tự chủ một phần. Bệnh viện tự chủ nhưng không quyết định được việc mua sắm thiết bị nên khó đảm bảo điều kiện tốt nhất.
Đề cập đến quỹ bảo hiểm y tế, bà Lan nhấn mạnh ý nghĩa của chủ trương này, song bà nêu thực tế vì tăng thu khó nên chúng ta phải giảm chi, ép từ giá dịch vụ y tế, giá thuốc cho tới vật tư y tế dẫn đến không đảm bảo chất lượng.
Bà Lan thẳng thắn nói rằng, ép giá nhưng cũng khó thanh toán, như các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh đang bị Bảo hiểm Y tế từ chối thanh toán 1.400 tỷ đồng vì vượt quá quy định cho phép. Đây là thực tế vô lý!.
“Mơ ước mơ bình thường của bất kỳ cán bộ y tế nào không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới là để cho cán bộ y tế chỉ phải tập trung vào chuyên môn, để khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất chứ không phải là hằng ngày đối phó với các quy trình mua sắm, thanh toán và nguy cơ bị xử lý cả hành chính lẫn hình sự”-bà Lan nói, và đề nghị giải pháp tình thế cấp bách thì cần phải giảm các thủ tục. Về giải pháp lâu dài cần hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Dược, Luật Bảo hiểm Y tế và cần có Luật trang thiết bị.