Đại biểu Phạm Trọng Nhân: 'Tôn vinh sao còn báo cáo thành tích?'

'Để tôn vinh mà lại phải viết báo cáo thành tích thì mục tiêu cuối cùng không phải là để được ghi nhận và tôn vinh', đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

Sáng 28/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận trực tuyến, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Tôn vinh sao lại phải viết báo cáo thành tích?

Thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) tại phiên họp Quốc hội sáng 28/10, đại biểu Phạm Trọng Nhân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đặt vấn đề vì sao phải yêu cầu viết báo cáo thành tích.

Đại biểu Nhân dẫn việc nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý, kỷ luật làm dư luận “dậy sóng”. Khi truyền thông liệt kê các sai phạm của một Giám đốc Sở mà trên cương vị của mình có không ít danh hiệu thi đua, khen thưởng và tỏ ra băn khoăn: Công tác thẩm định thông qua các báo cáo thành tích đối với những trường hợp trên có hiệu lực, ý nghĩa thế nào?.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

“Nếu đánh giá phong trào thi đua ở một số nơi còn mang tính hình thức thì ngay chính lĩnh vực này cũng đang nặng về thủ tục hồ sơ đề nghị danh hiệu thi đua khen thưởng, trong đó điều kiện kèm theo là báo cáo thành tích”, ông Nhân nói và cho rằng, để tôn vinh mà lại phải viết báo cáo thành tích thì mục tiêu cuối cùng không phải là để được ghi nhận và tôn vinh.

Ông Nhân cho rằng, những bất cập trong thi đua, khen thưởng cho các đối tượng này còn thể hiện sự rời rạc trong những mắt xích của quản lý và hệ thống để các thành phần cơ hội lợi dụng. Đồng thời trách nhiệm đối với những cơ quan, cá nhân thẩm định đến đâu để danh hiệu thi đua, khen thưởng tạo ra không ít băn khoăn, day dứt trong xã hội?

"Chỉ khi nào nhà nước với đầy đủ công cụ quản lý được giao, thực hiện việc tôn vinh mà không yêu cầu cá nhân viết báo cáo thành tích thì khi đó mới bảo đảm ý nghĩa biểu dương, nhất là trong bối cảnh những quy định về trung tâm cơ sở dữ liệu bắt đầu được thể chế thì chỉ cần một cái "click chuột" đã có thể cung cấp đầy đủ dữ liệu cá nhân được xác thực, trong đó có khen thưởng, kỷ luật, quá trình công tác… cũng được số hóa thì làm sao có thể có kẽ hở để luồn lách, thăng tiến", đại biểu Nhân nói.

Khen thưởng theo công trạng thay vì thành tích

Để khắc phục tính hình thức, chạy theo thành tích trong thi đua, khen thưởng, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) đề nghị, khen thưởng căn cứ vào công trạng chứ không phải là thành tích sẽ bớt tính tràn lan, hình thức. Hơn nữa, dự thảo Luật cần có quy định rõ hơn về nguyên tắc, trách nhiệm và việc xử lý vi phạm của cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, của cá nhân trong thi đua, đề nghị khen thưởng và quyết định khen thưởng. Hiện, dự thảo Luật đã có quy định, xong chưa thể hiện rõ điều này.

“Tổng kết cho thấy những tồn tại, hạn chế có nhiều nguyên nhân, song chất lượng hiệu quả hay hạn chế phụ thuộc nhiều vào khâu tổ chức, triển khai thực hiện chứ không hoàn toàn do luật. Do đó cần quy định nguyên tắc trách nhiệm, xử lý vi phạm cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong tổ chức triển khai thi đua khen thưởng, đề nghị và quyết định khen thưởng”, ông Thắng nêu ý kiến.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) nêu rõ, dự thảo Luật đã mở rộng các đối tượng được khen thưởng như người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, các doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, kể cả cá nhân, tập thể nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việc mở rộng lần này sẽ huy động rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào phong trào thi đua, yêu nước.

Đại biểu Nghĩa cũng đề nghị cần quan tâm khắc phục việc quy định xét thi đua tính theo tỷ lệ mà không phân cấp rõ ràng trong đăng ký nên việc tổ chức bình xét, đánh giá còn nể nang, còn phân định cấp trên cấp dưới nên còn tính hình thức. Bên cạnh đó cần xem xét thay thế quy định có đủ số năm đạt thành tích, tránh việc nể nang nhường thành tích để đảm bảo thời gian liên tục.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá dự thảo có nhiều đổi mới, tiến bộ, hướng nhiều đến cơ sở, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, người trực tiếp lao động cũng như tháo gỡ nhiều vướng mắc, khắc phục tính hình thức, chưa thực chất.

Về cải cách thủ tục hành chính đã giảm số lượng hồ sơ đề nghị khen thưởng Nhà nước chỉ còn 1 bộ (bản chính) được gửi về cơ quan chuyên trách về thi đua, khen thưởng ở Trung ương để thẩm định và lưu trữ thay vì 3 bộ như trước kia; mở rộng đối tượng khen thưởng theo hướng kịp thời tôn vinh cũng như tăng cường trách nhiệm, bổ sung thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và phân cấp cho người đứng đầu.

Việc giảm bớt thành phần hồ sơ, tóm tắt thành tích không chỉ tiết kiệm được thời gian, chi phí cho người được xét khen thưởng mà đối với cơ quan tổ chức cũng không phải xét họp nhiều lần, rườm rà. Dự thảo tập trung sửa nhiều quy định thi đua, khen thưởng cụ thể, rõ ràng, định lượng được để làm căn cứ phấn đấu thi đua cũng như xét thi đua, tiết kiệm thời gian, giảm bớt thủ tục và báo cáo.

Mời độc giả xem thêm video Khen thưởng 2 nhân viên cứu người trong vụ cháy cửa hàng gas:

Nguồn: Truyền hình Nhân dân.

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/dai-bieu-pham-trong-nhan-ton-vinh-sao-con-bao-cao-thanh-tich-1614325.html