Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đóng góp dự thảo Luật Công chứng sửa đổi

Vào chiều ngày 17/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại Tổ đóng góp các dự án luật.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đóng góp dự thảo Luật Công chứng sửa đổi

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đóng góp dự thảo Luật Công chứng sửa đổi

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Công chứng hiện hành và phát biểu đóng góp những vấn đề nhằm hoàn thiện hơn các quy định liên quan đến mô hình tổ chức văn phòng công chứng, độ tuổi hành nghề công chứng, địa điểm công chứng và công chứng điện tử.

Trước hết, về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng: Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, dự thảo luật có sự kế thừa quy định hiện hành, theo đó “Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của Văn phòng công chứng”. Quy định này có nhiều ưu điểm là đảm bảo sự hoạt động thường xuyên, liên tục của Văn phòng công chứng (khi công chứng viên bị bệnh hoặc tai nạn, ốm đau,...) cũng như góp phần đảm bảo tính ổn định, bền vững của Văn phòng công chứng để đáp ứng kịp thời yêu cầu về công chứng của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành quy định trên cũng bộc lộ một số nội dung hạn chế như phát sinh tình trạng công chứng viên hợp danh mang tính hình thức để đảm bảo điều kiện hoạt động của Văn phòng công chứng (thuê công chứng viên hợp danh); “Chuyển nhượng” công chứng viên để đủ điều kiện để thành lập Văn phòng công chứng. Sau khi đăng ký hoạt động thì chấm dứt tư cách thành viên hợp danh,... Mặt khác, quy định Văn phòng công chứng phải có từ 2 công chứng viên hợp danh trở lên dẫn đến các Văn phòng công chứng chỉ phát triển tại các khu vực đô thị tập trung dân cư, những địa bàn KT-XH phát triển mạnh; không khuyến khích được việc thành lập các văn phòng công chứng ở các khu vực nông thôn, vùng xa, thậm chí có nơi không có Văn phòng công chứng, do nguồn thu không đảm bảo duy trì hoạt động thường xuyên của Văn phòng công chứng. Từ đó, gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận dịch vụ công chứng.

Để đảm bảo phát triển nghề công chứng ổn định, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, đại biểu Dung đề nghị, dự luật nên giao cho UBND cấp tỉnh ban hành đề án quản lý, phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương. Từ đó, địa phương sẽ xem xét, quyết định cho phép những địa bàn nào được phát triển Văn phòng công chứng theo loại hình doanh nghiệp tư nhân phù hợp với điều kiện KT-XH từng nơi, nhất là trong điều kiện phát triển KT-XH giữa các địa phương, khu vực không đồng đều. Đồng thời, tạo sự chủ động cho địa phương, góp phần nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước, đảm bảo các tổ chức hành nghề công chứng phát triển theo quy hoạch được duyệt.

Bên cạnh đó, tại Khoản 6 Điều 26 dự thảo quy định: “Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều này, công chứng viên đã chấm dứt tư cách thành viên hợp danh vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của Văn phòng công chứng phát sinh trong thời gian là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng đó; hết thời hạn này công chứng viên mới được tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới hoặc hợp danh vào Văn phòng công chứng khác đang hoạt động.” Quy định công chứng viên không còn hợp danh nữa nhưng vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm trong 2 năm là phù hợp, tôi thống nhất, nhưng quy định công chứng viên sau 2 năm mới được tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới hoặc hợp danh vào Văn phòng công chứng khác là chưa phù hợp, lãng phí nguồn lực, và cũng chưa dựa vào cơ sở khoa học nào.

Đồng thời, quy định này cũng không thống nhất với các quy định của Luật Doanh nghiệp không hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp mới trong vòng 2 năm sau khi chấm dứt hợp danh. Việc hạn chế tiêu cực khi thành lập mới văn phòng công chứng cần biện pháp khác phù hợp không nên tìm cách trói buộc quyền hành nghề của công chứng viên.

Một vấn đề liên quan đến chuyển nhượng Văn phòng công chứng, dự thảo luật quy định: Văn phòng công chứng được chuyển nhượng cho các công chứng viên khác đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này. Văn phòng công chứng chỉ được chuyển nhượng khi đã hoạt động công chứng được ít nhất là 2 năm. Công chứng viên đã chuyển nhượng Văn phòng công chứng không được phép tham gia thành lập Văn phòng công chứng mới hoặc hợp danh vào Văn phòng công chứng đang hoạt động trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chuyển nhượng.

Theo đại biểu thì quy định này là không phù hợp, cụ thể khi anh A thành lập văn phòng công chứng ở Long An, sau một thời gian hành nghề, gia đình chuyển định cư hay vì lý do nào đó, anh muốn thành lập văn phòng công chứng ở Đà Nẵng nơi sinh sống mới, theo quy định này anh A phải chuyển nhượng lại văn phòng công chứng và sau 2 năm anh A mới được thành lập văn phòng công chứng ở Đà nẵng, trong khi anh A muốn hành nghề liên tục nên buộc phải thuê công chứng viên để thành lập văn phòng công chứng và anh A tham gia với tư cách công chứng viên hợp đồng. Từ đó, tạo nên một môi trường thiếu lành mạnh, không phản ánh đúng bản chất của việc thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng.

Quy định này cũng đã làm cho 10 năm thi hành Luật Công chứng hiện hành trong cả nước không có trường hợp nào chuyển nhượng văn phòng công chứng mà công chứng viên lựa chọn việc rút hợp danh, đổi tên văn phòng công chứng, chuyển tên người trưởng văn phòng công chứng, phát sinh các thủ tục hành chính không cần thiết, trong khi bản chất vụ việc là như nhau.

Thứ hai, về độ tuổi hành nghề của công chứng viên: Dự thảo Luật bổ sung quy định về độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề của công chứng viên là không quá 70 tuổi (khoản 1 Điều 8, khoản 2 Điều 14). Đối với các công chứng viên đang hành nghề mà gần 70 tuổi hoặc quá 70 tuổi, dự thảo Luật bổ sung quy định chuyển tiếp, theo đó những công chứng viên từ 68 đến 70 tuổi tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được hành nghề công chứng đến khi tròn 72 tuổi; công chứng viên đã được bổ nhiệm trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà đã trên 70 tuổi thì sẽ có thời gian hành nghề thêm tối đa là 2 năm. Quy định này nhằm tránh tình trạng giảm đột ngột số lượng công chứng viên hành nghề, bảo đảm có thời gian chuyển tiếp để bổ nhiệm công chứng viên thay thế số lượng công chứng viên gần 70 tuổi hoặc trên 70 tuổi thôi hành nghề công chứng.

Đại biểu Dung tán thành việc bổ sung quy định về giới hạn độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề của công chứng viên. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên sẽ không được công bằng với với hệ thống pháp luật về độ tuổi hành nghề của các chức danh tư pháp khác như: Luật sư, Thừa phát lại, Quản tài viên, Đấu giá viên,... Hơn nữa sẽ “Lãng phí nguồn lực xã hội”, “Hạn chế quyền tự do hành nghề của công chứng viên”... bởi đa số công chứng viên nằm trong độ tuổi này là những lớp công chứng viên thuộc thế hệ đầu tiên, đặt nền móng khai sinh ra nghề công chứng hiện nay, có bề dày về thành tích, công lao, kinh nghiệm nghề. Làm mất đi sự thỏa thuận, tự nguyện của công chứng viên liên quan đến tài sản, đến chuyển nhượng sản nghiệp thương mại mà họ đã gầy dựng.

Bên cạnh đó, hành nghề công chứng là một hoạt động rất đặc thù, thực hiện dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm, công chứng viên thực hiện công chứng có vai trò vô cùng to lớn trong các giao dịch được công chứng, đòi hỏi công chứng viên phải luôn minh mẫn, sáng suốt. Từ đó đại biểu đề nghị, dự luật nên quy định: Khi công chứng viên từ đủ 70 tuổi trở lên phải giám định sức khỏe 6 tháng 1 lần gửi Sở Tư pháp nơi hành nghề. Trường hợp chưa đến độ tuổi này mà xét thấy cần thiết thì giao cho Sở Tư pháp cấp tỉnh quyền yêu cầu công chứng viên giám định sức khỏe, nâng cao quyền trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng.

Thứ ba, về việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch: Đại biểu thống nhất với quy định tại điểm e khoản 1 Điều 73 dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) về việc giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh, cụ thể “Xem xét, quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng tại những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức theo hướng dẫn của Chính phủ”. Quy định này sẽ góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch; đồng thời, giảm tải áp lực công việc cho cơ quan nhà nước ở địa phương.

Thứ tư, về địa điểm công chứng: Đại biểu cho rằng công chứng là loại hình dịch vụ công đặc biệt, được nhà nước ủy nhiệm, không phải là loại hình dịch vụ kinh doanh thông thường, nên để tránh tình trạng “công chứng dạo” mất uy tín, hình ảnh công chứng, nhưng đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người yêu cầu công chứng thì ngoài các trường hợp đã liệt kê được ký ngoài trụ sở như dự thảo thì cần thêm quy định mang tính bao quát các trường hợp mà dự thảo không dự liệu hết được các tình huống phát sinh trên thực tế là có lý do chính đáng khác (như quy định hiện hành) thì được thực hiện công chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.

Tuy nhiên, để tránh lạm dụng thì lý do này, đại biểu đề nghị dự luật cần phải được ghi rõ trong lời chứng của công chứng viên và bổ sung quy định nghiêm cấm việc lập điểm giao dịch công chứng thường xuyên ngoài trụ sở chính mà không dựa trên yêu cầu công chứng cụ thể của khách hàng. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể các dấu hiệu của hành vi lập điểm giao dịch công chứng trái phép và có chế tài cụ thể, thực hiện xử lý nghiêm.

Thứ năm, về công chứng điện tử: Đại biểu tán thành việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo Luật nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng hoạt động công chứng phải bảo đảm chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Theo đó, khi giao dịch dân sự được thực hiện trên môi trường điện tử, quy trình công chứng cũng cần được điều chỉnh để bảo đảm các yếu tố cốt lõi trong hoạt động công chứng nội dung, bao gồm: (1) Bảo đảm tính xác thực về nhân thân: Đúng chủ thể tham gia giao dịch; (2) Bảo đảm tính xác thực về ý chí: Đủ năng lực hành vi dân sự, tự nguyện, không bị ép buộc; (3) Bảo đảm ý chí được thể hiện đúng và đầy đủ: Nội dung giao dịch, chữ ký, điểm chỉ xác nhận; (4) Bảo đảm giấy tờ, tài liệu công chứng được đối soát chính xác, đầy đủ; (5) Bảo đảm tính xác thực về thời gian, địa điểm tiến hành giao dịch; (6) Bảo đảm nội dung của giao dịch là hợp pháp. Đồng thời, văn bản công chứng điện tử còn phải đáp ứng yêu cầu thứ (7) là: Bảo đảm tính toàn vẹn và giá trị của chứng cứ trên môi trường điện tử.

Bên cạnh đó, việc công chứng điện tử, nhất là theo phương thức công chứng điện tử trực tuyến, có các yếu tố mà công nghệ chưa thể bảo đảm thay thế được hoàn toàn vai trò của con người như: Việc xác định năng lực hành vi dân sự của chủ thể thuộc về quyền và trách nhiệm của công chứng viên, đòi hỏi bắt buộc phải có sự hiện diện trực tiếp của người yêu cầu công chứng trước mặt công chứng viên. Giao tiếp qua phương tiện điện tử khó bảo đảm để công chứng viên đánh giá được năng lực hành vi và ý chí tự nguyện của người yêu cầu công chứng, nhất là trong bối cảnh hiện nay đã xuất hiện tội phạm công nghệ cao dùng công nghệ AI giả giọng nói, hình ảnh để lừa đảo; Việc đối chiếu giấy tờ có thể được thay thế bằng thông qua cơ sở dữ liệu, nhưng hiện nay lượng giấy tờ cần đối soát là rất nhiều và đa dạng, phụ thuộc vào các loại giao dịch khác nhau, đòi hỏi phải có số lượng và chất lượng cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ, thống nhất.

Việc đánh giá tính hợp pháp của nội dung giao dịch là công việc chính, quan trọng của công chứng viên theo mô hình công chứng nội dung, đòi hỏi năng lực chuyên môn và kinh nghiệm tích lũy nhiều năm của công chứng viên. Vấn đề này cần giao cho Chính phủ căn cứ điều kiện KT-XH xác định lộ trình thực hiện giao dịch được công chứng điện tử và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cho thí điểm và triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Lê Thành Long trình bày tờ trình về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Lê Thành Long trình bày tờ trình về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Ngoài ra, đại biểu còn đóng góp các vấn đề liên quan đến thời hạn có hiệu luật của giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự; thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản và đề nghị cân nhắc bổ sung các quy định bắt buộc phải công chứng đối với điều lệ doanh nghiệp, hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các biên bản họp của hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên trong các doanh nghiệp để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và an ninh kinh tế./.

Kiến Quốc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dai-bieu-phan-thi-my-dung-dong-gop-du-thao-luat-cong-chung-sua-doi-a177846.html