Thành phố Hồ Chí Minh xử lý hơn 100 người liên quan đến tham nhũng, tiêu cực

TAND hai cấp đã xét xử 41 vụ án liên quan tội phạm về tham nhũng, chức vụ; tuyên án với 91 bị cáo về hành vi tham nhũng; Công an TP Hồ Chí Minh kỷ luật 10 cán bộ, chiến sỹ vì liên quan tham nhũng.

Đại diện Viện Kiểm sát luận tội và đề nghị mức án các bị cáo trong vụ án Bệnh viện thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Đại diện Viện Kiểm sát luận tội và đề nghị mức án các bị cáo trong vụ án Bệnh viện thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Ngày 26/6, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Theo báo cáo, năm 2023, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 219 cuộc kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Qua đó, phát hiện 24 vụ/83 người vi phạm, tổng số tiền gần 7,7 tỷ đồng.

Thành phố cũng đã thực hiện 74 cuộc thanh tra về phòng, chống tham nhũng, ban hành kết luận thanh tra và đã chuyển cơ quan điều tra 5/5 vụ, 7 đối tượng. Trong đó có các vi phạm xảy ra tại Trung tâm thể dục thể thao quận 1, phường Hiệp Thành (quận 12), Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty phát triển căn hộ Hướng Công Viên, Công ty cổ phần phát triển và kinh doanh nhà.

Ngoài ra, Thanh tra Thành phố đã chuyển một vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

Thanh tra tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp, Cơ quan chức năng cũng đã chuyển Cơ quan điều tra Công an quận Gò Vấp 1 vụ việc tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị, xây dựng và mua sắm, sửa chữa tài sản, công cụ, dụng cụ tại Ủy ban Nhân dân phường 13.

Cũng trong năm 2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố điều tra 27/27 vụ việc tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị điều tra tham nhũng.

Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố 37/37 vụ án đề nghị truy tố liên quan tham nhũng; 53 người bị Cơ quan điều tra đề nghị truy tố về hành vi tham nhũng; Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truy tố 47 bị can.

Tòa án Nhân dân hai cấp (từ ngày 16/12/2022 đến 31/12/2023) cũng đã xét xử 41 vụ án liên quan tội phạm về tham nhũng, chức vụ; tuyên án với 91 bị cáo về hành vi tham nhũng.

Về kết quả xử lý kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân trong năm qua, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã thi hành kỷ luật 9 cán bộ lãnh đạo cơ sở y tế tại Bệnh viện Mắt, Bệnh viện quận Bình Tân, Bệnh viện thành phố Thủ Đức.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã kỷ luật 10 cán bộ, chiến sỹ sai phạm liên quan hành vi tham nhũng. Trong đó, cảnh cáo một đại úy, khiển trách một thượng úy thuộc Công an phường 7, quận 8 vì yêu cầu người nhà của đối tượng có hành vi sử dụng ma túy đưa tiền để được trả tự do; giáng bậc hàm với một thượng úy thuộc Đội Cảnh sát Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ Tư pháp, Công an quận Tân Phú vì lợi dụng vị trí công tác để nhận tiền của đối tượng với mục đích trục lợi; giáng cấp bậc hàm một đại úy thuộc Đội Cảnh sát Thi hành án Hình sự và Hỗ trợ Tư pháp, Công an quận Tân Phú vì có hành vi nhận tiền, tài sản của cá nhân liên quan công việc do mình giải quyết khi còn làm cảnh sát khu vực tại Hòa Thạnh.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tước danh hiệu Công an Nhân dân với 6 người thuộc Công an quận 5, 6, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, thành phố Thủ Đức vì tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản…

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố luôn được quán triệt triển khai đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, sát với yêu cầu thực tiễn trên quan điểm ngăn ngừa là chính, đồng thời chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Các cấp chính quyền chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí phù hợp đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị; chú trọng trong việc xác định các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực để lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Các cấp chính quyền cũng thường xuyên quán triệt, phổ biến cho cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản kết luận, chỉ đạo của Trung ương, thành phố về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-xu-ly-hon-100-nguoi-lien-quan-den-tham-nhung-tieu-cuc-post961375.vnp