Đại biểu QH: Cần có chính sách đột phá thúc đẩy kinh tế tư nhân
Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đề nghị cần có các chính sách có tính đột phá tích cực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn nhằm phát huy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong các lĩnh vực mà khu vực nhà nước không làm hoặc không làm được.
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 1/11, đại biểu Lê Hữu Trí cho rằng, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách đó đến với người dân và doanh nghiệp như thế nào và hấp thụ được bao nhiêu tháo gỡ được những gì mới là vấn đề quan trọng.
Trên thực tế, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế, nhất là những rào cản từ các điểm nghẽn của pháp luật, từ nhận thức về pháp luật và cách ứng xử đùn đẩy né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền, dẫn đến sự trì trệ, là lực cản lớn nhất hiện nay cho sự phát triển.
Đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị Chính phủ cần tiếp tục và tập trung các giải pháp tích cực, tháo gỡ các nút thắt điểm nghẽn, nhằm khai thông mọi nguồn lực về dòng vốn trong nền kinh tế. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn, triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu thương mại và du lịch, cải thiện mạnh mẽ thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Tiếp tục xử lý tháo gỡ những khó khăn vướng mắc bảo đảm ổn định và sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản thị, trường xuất nhập khẩu; Đồng thời các chính sách có tính đột phá tích cực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn nhằm phát huy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong động lực phát triển của các nguồn lực, các lĩnh vực mà khu vực nhà nước không làm hoặc không làm được.
Chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) cho biết, trước tác động của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước có sụt giảm nghiêm trọng, sức tiêu thụ, doanh thu bán hàng trong nước, xuất khẩu giảm làm các doanh nghiệp lâm vào khó khăn. Dù nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp vẫn còn phải chịu nhiều áp lực ở nhiều phía.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, xem xét giảm lãi suất và tạm thời không thu thuế TNDN năm 2023 cho phần chi phí lãi vay không được trừ đối với các doanh nghiệp trong nước theo quy định Nghị định 132 và doanh nghiệp liên kết.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần rà soát Nghị định 132 để có quy định hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt khó, duy trì sản xuất, phục hồi tiềm lực, tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) bày tỏ quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đại biểu cho rằng, hiện nay Ngân hàng Nhà nước thừa tiền, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang khát vốn…
Đại biểu cho rằng, chúng ta cần phải giải pháp cho quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ nếu tổ chức Quốc hội cho phép thì phải mở rộng bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh cho ngân hàng, giảm các cái điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp.