Đại biểu Quốc hội bị bắt, ai chịu trách nhiệm?
Ngày 6-4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ hai để thảo luận, đóng góp ý kiến cho 2 dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi), Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐB HĐND các cấp (sửa đổi).
Góp ý dự thảo Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp (sửa đổi), Phó Chủ tịch MTTQ Phạm Xuân Hằng kiến nghị quá trình giới thiệu, hiệp thương phải làm sao thể hiện bản lĩnh của MTTQ. “Chúng ta phải làm tròn trách nhiệm trước dân, phải thể hiện đúng ý chí nguyện vọng của dân, chứ không phải giới thiệu những người chúng ta không biết. Như Hà Nội vừa qua có ĐBQH bị bắt. Trách nhiệm này thuộc về ai chứ cứ bảo họ lừa dối tập thể là không thể được” - ông Hằng thẳng thắn và đề nghị luật phải sửa theo hướng dân phải biết rõ họ đang bầu cho ai vì thông tin về người ứng cử chỉ vỏn vẹn có ngày tháng năm sinh, nơi công tác, chức vụ, rồi cứ 2 người gạch 1 thì không thể thực chất.
Góp ý về tỉ lệ đảng viên trong QH, nguyên Chủ tịch MTTQ Phạm Thế Duyệt thẳng thắn: “Đảng lãnh đạo nhưng không nhất thiết 92%-93% ĐBQH là đảng viên, rồi các bộ trưởng đều đủ cả như thế thì còn lâu mới dân chủ được”. Ông Duyệt cho hay hiện tỉ lệ đảng viên trong MTTQ chỉ còn 50%, vì vậy trong QH cũng nên cố gắng làm sao đổi mới cho thực chất.
Cùng băn khoăn về việc QH chỉ có 40 người ngoài Đảng trong tổng số gần 500 ĐB hiện nay, một ĐB đề xuất để QH không phải “Hội nghị Đảng bộ mở rộng” thì số ĐB ngoài Đảng phải nâng lên mức 30%-40%.
Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần phải có một luật về Đảng, trên cơ sở đó điều tiết các mối quan hệ rõ hơn.
GS Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng nếu có điều kiện đổi mới thì phải tăng tính tranh cử trong bầu cử. Chừng nào không có tranh cử trong bầu cử thì chừng đó không thể tìm ra người xứng đáng. Muốn tranh cử trong bầu cử thì không chỉ đơn thuần tranh cử ở các cuộc tiếp xúc cử tri trong giai đoạn bầu cử mà phải gắn thế nào việc bầu cử với cử tri đơn vị bầu cử.
GS Đường góp ý nên quy định chia thành 500 đơn vị bầu cử để bầu ra 500 ĐBQH và mỗi đơn vị có 2-3 ứng viên tranh luận với nhau để người dân chọn ra người xứng đáng. “Qua 2 khóa là ĐBQH, tôi rút ra rằng ĐBQH rất khó và cũng rất dễ vì quyền hạn lớn lắm nhưng chẳng ai kiểm soát. Làm thế nào ĐBQH gắn cử tri để cử tri giám sát” - ông Đường nói và đề nghị 2 đợt bầu ĐBQH và HĐND phải tách riêng.
Nguyên Phó Chủ tịch MTTQ Đỗ Duy Thường đề nghị mỗi đại biểu phải có một chương trình hành động cụ thể gửi đến MTTQ để cử tri giám sát. Đặc biệt, cần bổ sung quy định cấm không được dùng vật chất để phát tặng, ủng hộ cử tri dưới bất kỳ hình thức nào. Dùng tiền tranh cử là hình thức mua phiếu nên cần đưa ra chế tài cụ thể để ngăn chặn.
Phản biện và giám sát phải rất rõ ràng
Góp ý dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi), ông Phạm Thế Duyệt cho rằng luật thể hiện rõ Nghị quyết Đảng và Hiến pháp 2013, cụ thể là phải thể hiện rõ mối quan hệ giữa Đảng với mặt trận và giữa nhà nước với mặt trận. Khi đất nước càng hội nhập, càng mở rộng, càng tư nhân hóa thì tham nhũng, quan liêu, mất dân chủ và tranh giành quyền lực càng nhiều. “Tình hình lúc này trong Đảng khác hẳn rồi. Vì thế, muốn giữ vai trò lãnh đạo của Đảng cho tốt thì vấn đề phản biện và giám sát phải rất rõ ràng” - ông Duyệt hiến kế.