Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, nhạc sĩ Huy Tuấn hiến kế làm công nghiệp văn hóa

Để phát triển công nghiệp văn hóa, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nghệ sĩ cần được trao quyền để tự do sáng tạo.

Lời tòa soạn: 2024 là năm bùng nổ của các sản phẩm văn hóa, chương trình nghệ thuật chất lượng với quy mô lớn, được công chúng đón nhận rộng rãi. Việc khai thác hiệu quả các chất liệu đa dạng của văn hóa truyền thống với cách thức đổi mới sáng tạo đang mở ra hướng đi mới mẻ, nhiều triển vọng cho công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

2025 là năm đầu tiên bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Theo đó, lĩnh vực công nghiệp văn hóa phấn đấu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước. VietNamNet thực hiện loạt bài về góc nhìn và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam với ý kiến của các nghệ sĩ, chuyên gia, nhà quản lý uy tín.

Nhạc sĩ Huy Tuấn: Lời nói đi kèm hành động!

Chia sẻ với VietNamNet, nhạc sĩ Huy Tuấn bày tỏ niềm tin, sự kỳ vọng và cả nỗi trăn trở trên con đường Việt Nam khai mở, tạo đà phát triển nền công nghiệp văn hóa đầy triển vọng trong tương lai.

Nhạc sĩ Huy Tuấn. Ảnh: NVCC

Nhạc sĩ Huy Tuấn. Ảnh: NVCC

Theo nhạc sĩ Huy Tuấn, “công nghiệp văn hóa” là khái niệm đã được đề cập từ lâu nhưng bắt tay thực hiện là cả con đường dài gập ghềnh.

“Bàn vấn đề này, theo tôi hành động phải đi kèm lời nói. Chúng ta vẫn mạnh về hô hào, còn để có sản phẩm tác động vào ngành công nghiệp văn hóa thực sự chưa nhiều”, nhạc sĩ cho biết.

Anh trai vượt ngàn chông gaiAnh trai say hi là một “hiện tượng”, tạo sự bất ngờ và choáng ngợp không chỉ với công chúng mà ngay cả chính người làm nghề như Huy Tuấn.

Trước đây, khái niệm concert, show nhạc nội địa hút vài chục nghìn khán giả, tạo cơn sốt vé lẫn “bão” truyền thông là điều tưởng chừng không thể. Thế nhưng, thành công của các trường hợp trên trong năm qua chứng minh giấc mơ về một nền nghệ thuật bài bản, chuyên nghiệp là có thể.

Dấu ấn của một vài dự án là tiền đề giúp nhà tổ chức nhận thức rõ cơ hội đang đi đúng hướng. Vấn đề lúc này là chiến lược đường dài nhằm duy trì ngọn lửa, độ phủ rộng rãi, tránh trường hợp “sớm nở chóng tàn” gây nuối tiếc.

Nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng giữ được sức hút và nhân rộng lên các chương trình trong vài năm tới là bài toán nan giải mà suy cho cùng là mối quan hệ cộng sinh 2 chiều từ đơn vị sản xuất và khán giả.

“Khán giả chấp nhận bỏ tiền thưởng thức nghệ thuật, đó là động lực thúc đẩy những người sản xuất chương trình. Ngược lại, giới làm nghề nghiêm túc, chỉn chu và chuyên nghiệp với sản phẩm cũng là lý do chính thuyết phục số đông. Đó là một vòng tuần hoàn về quan hệ cung cầu giữa đôi bên. Họ phải thấy trách nhiệm của mình trong đó để cùng đưa nhau lên, chứ không phải bài xích nhau”, Huy Tuấn phân tích.

Mặt khác, theo nhạc sĩ, thành công của các show trên phần lớn đều từ cá nhân hoặc vài doanh nghiệp. Họ có tiềm lực về kinh tế, ê-kíp giỏi, công nghệ tiên tiến… tự thực hiện và gặt hái thành quả.

Thành công của chuỗi concert cho thấy fan sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm âm nhạc "nội địa", thay vì chỉ chạy theo thần tượng nước ngoài như trước đây. Ảnh: BTC.

Thành công của chuỗi concert cho thấy fan sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm âm nhạc "nội địa", thay vì chỉ chạy theo thần tượng nước ngoài như trước đây. Ảnh: BTC.

Nhưng muốn một thị trường nghệ thuật phát triển, không thể cứ mãi trông chờ vào 1-2 chương trình của một vài đơn vị. Nó phải đến từ một bộ máy tổng thể, bài bản mà cơ chế chính sách là điều quan trọng nhất.

Nhạc sĩ Huy Tuấn thẳng thắn góp ý rằng chúng ta nên bắt đầu từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trước khi nói những điều to tát bởi thực tế Việt Nam hiện chưa có những không gian, nhà hát hay các sân khấu đa năng cho việc tổ chức biểu diễn các show lớn. Hai show Anh trai vượt ngàn chông gai Anh trai say hi địa điểm tổ chức là không gian bất động sản chưa xây. Không gian trong nhà lớn nhất hiện nay thường xuyên được trưng dụng biểu diễn chỉ là Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội nhưng không có thiết kế cho việc biểu diễn.

Nhạc sĩ Khúc giao mùa nhìn nhận thẳng thắn cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh. Ông dự đoán cần mất thêm khá nhiều thời gian các đơn vị mới vỡ ra bài học, từ đó có sự hợp tác hiệu quả, lâu dài trong tương lai.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Nghệ sĩ cần được trao quyền để tự do sáng tạo

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, năm 2024, văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đầy hứa hẹn trong việc định hình văn hóa như một ngành công nghiệp. Đây là năm đánh dấu sự chuyển mình sâu sắc, từ việc nhìn nhận văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội đến việc khai thác tối đa tiềm năng kinh tế của các giá trị văn hóa, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Lê Anh Dũng

PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trước hết, nhận thức về vai trò của văn hóa đã thay đổi tích cực ở cả cấp lãnh đạo và cộng đồng. Văn hóa không chỉ được coi là yếu tố làm giàu đời sống tinh thần mà còn là nguồn lực kinh tế to lớn, có thể tạo ra giá trị gia tăng cao. Chính phủ đã đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế pháp lý cho phát triển văn hóa, với việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa, ban hành các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp sáng tạo và xây dựng những chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.

Năm 2025 lại là năm đầu tiên bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Chương trình đặt ra những mục tiêu rất cụ thể như phấn đấu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP của cả nước.

Để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, cần có sự đồng lòng và nỗ lực từ cả nghệ sĩ lẫn cơ quan quản lý nhà nước. Đây là một hành trình dài, đòi hỏi sự đổi mới tư duy, sáng tạo mạnh mẽ và cách tiếp cận toàn diện.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, vai trò của nghệ sĩ rất quan trọng, họ đóng vai trò như những người kể chuyện, người mang bản sắc văn hóa của dân tộc ra thế giới. Họ không chỉ cần sáng tạo mà phải thể hiện rõ tinh thần dân tộc trong từng tác phẩm, từ đó tạo nên giá trị riêng biệt mà văn hóa Việt Nam có thể tự hào. Tuy nhiên, để những giá trị này có thể thuyết phục được công chúng toàn cầu, nghệ sĩ cần không ngừng nâng cao chuyên môn, nhạy bén với công nghệ mới và các xu hướng sáng tạo trên thế giới.

"Tôi nhận thấy điều này đòi hỏi họ phải dám đổi mới, thậm chí thử nghiệm để vừa bảo tồn được cái gốc văn hóa, vừa làm mới cách thể hiện", PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Ngoài ra, theo ông Sơn, cơ quan quản lý nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo môi trường thuận lợi để nghệ sĩ phát huy hết khả năng của mình. Việc hoàn thiện thể chế, chính sách để hỗ trợ công nghiệp văn hóa phát triển là yếu tố cốt lõi. Điều đó bao gồm từ việc tạo ra cơ chế hỗ trợ tài chính, quỹ sáng tạo, đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tôi nghĩ rằng, nếu nghệ sĩ có thể yên tâm sáng tạo mà không lo ngại về những vấn đề như vi phạm bản quyền hay thiếu nguồn lực, họ sẽ tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn.

Ngoài ra, đầu tư vào hạ tầng văn hóa cũng là điều ông Sơn nhận thấy không thể bỏ qua. Những không gian như bảo tàng, trung tâm sáng tạo, hay khu công nghiệp văn hóa không chỉ là nơi nghệ sĩ làm việc mà còn là điểm kết nối với công chúng, giúp văn hóa thực sự trở thành một phần của đời sống xã hội.

Soobin Hoàng Sơn, NSND Tự Long và Cường Seven - 3 gương mặt được yêu mến từ chương trình ''Anh trai vượt ngàn chông gai''.

Soobin Hoàng Sơn, NSND Tự Long và Cường Seven - 3 gương mặt được yêu mến từ chương trình ''Anh trai vượt ngàn chông gai''.

Hơn nữa, ông Sơn cho rằng việc đào tạo một thế hệ trẻ có tư duy hiện đại, sáng tạo và kỹ năng chuyên môn cao là yếu tố quyết định đến sự bền vững của ngành công nghiệp văn hóa.

Theo ông Sơn, để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, cần xây dựng thương hiệu quốc gia, đưa văn hóa ra thị trường quốc tế một cách bài bản. Các sản phẩm văn hóa, từ điện ảnh, âm nhạc đến thời trang, phải có chiến lược quảng bá rõ ràng và hấp dẫn, để thế giới không chỉ biết đến mà còn yêu mến văn hóa Việt Nam.

Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là sự hợp lực giữa nghệ sĩ và cơ quan quản lý. Nghệ sĩ cần được trao quyền tự do sáng tạo, trong khi nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, định hướng và lắng nghe nguyện vọng từ chính những người đang làm nên nền văn hóa. Sự đồng lòng nếu được thực hiện một cách hài hòa, chắc chắn sẽ giúp chúng ta không chỉ đạt được những mục tiêu kinh tế mà còn khẳng định được vị thế văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Bài 3: Thứ trưởng Bộ Văn hóa: Việt Nam đang ở tầm trung phát triển công nghiệp văn hóa

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dai-bieu-quoc-hoi-bui-hoai-son-nhac-si-huy-tuan-hien-ke-lam-cong-nghiep-van-hoa-2361214.html