Đại biểu Quốc hội: Cần thiết xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính
Cho ý kiến về việc đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với dự án Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị xây dựng, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với sự cần thiết và mong muốn quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ đại biểu soạn thảo luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 23/5, tại Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Đáng chú ý, dự án Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đề nghị đưa vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị xây dựng dự án luật gồm 4 nhóm chính sách: Điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính; Thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân; Xác nhận giới tính đối với các trường hợp đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày luật có hiệu lực; Thẩm quyền, thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính. Đây là các chính sách liên quan chặt chẽ đến quyền con người, quyền công dân, là một bước cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự.
Thay mặt UBTVQH trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ý kiến của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội đều tán thành sự cần thiết ban hành Luật này để thực hiện Điều 37 của Bộ luật Dân sự; đồng thời, đánh giá hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã làm rõ phạm vi điều chỉnh, kế thừa cơ bản các nội dung rà soát, nghiên cứu để xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế thực hiện từ năm 2016 đến nay theo phân công của Chính phủ.
UBTVQH nhận thấy, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được đại biểu Quốc hội chuẩn bị cơ bản bảo đảm yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình năm 2024.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự án Luật sau khi được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số nội dung chính sách còn có ý kiến khác nhau, như: Khái niệm chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; mức độ can thiệp y học để được công nhận chuyển đổi giới tính; thẩm quyền và thủ tục công nhận giới tính của người sau khi chuyển đổi giới tính; rà soát hệ thống pháp luật để làm rõ các văn bản, quy định cần sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính đồng bộ và hiệu lực thi hành của Luật trong thực tiễn.
Cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với Luật Chuyển đổi giới tính, đa số đại biểu Quốc hội đồng thuận cao với sự cần thiết ban hành luật; đây cũng là điểm mới của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, bởi dự án luật được một đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội) tỉnh Lạng Sơn bày tỏ sự kính trọng với tâm huyết và nỗ lực của đại biểu Nguyễn Anh Trí trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật. Trong trường hợp dự án luật được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung một mục tại Điều 4 của dự thảo nghị quyết về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ đại biểu Nguyễn Anh Trí soạn thảo luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Khẳng định dự án Luật Chuyển đổi giới tính của đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị xây dựng là một bước tiến rất dũng cảm và rất văn minh. Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho rằng, hồ sơ dự án luật có đầy đủ cơ sở pháp lý để xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính.
Trong khi đó, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho biết, Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Nhưng từ khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về việc chuyển đổi giới tính.
Qua nghiên cứu các tài liệu liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí chuẩn bị và báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng luật của Ủy ban Pháp luật, đại biểu Thái Thị An Chung rất đồng tình với sự cần thiết nhanh chóng xây dựng luật này để khẳng định, tôn trọng và đảm bảo quyền con người, quyền công dân của người chuyển đổi giới tính.
“Hồ sơ đề xuất xây dựng luật đã được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng và Chính phủ đã có cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ, giao cho các Bộ có liên quan hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng, hoàn thiện trình dự án luật. Do đó tôi đề nghị Quốc hội nên đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào xem xét tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 như đề xuất của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí”, đại biểu Thái Thị An Chung kiến nghị.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ: “Cảm ơn những ý kiến đóng góp rất hay, rất cần thiết, trong đó chứa đựng cả trách nhiệm, tình cảm và sự đồng tình rất cao của đại biểu Quốc hội về sự cần thiết xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính”.
Cho biết đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ, góp ý, góp sức của các cơ quan và mong muốn tiếp tục nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn trong quá trình xây dựng dự án luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí thông tin thêm, đến nay, khoa học đã minh chứng có khoảng 100 dạng giới, nhưng qua nghiên cứu và tiếp thu ý kiến góp ý có thể thấy đây là vấn đề quá mới. Do vậy, với quan điểm chỉ đưa vào luật những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được công nhận nên dự án Luật Chuyển đổi giới tính mới chỉ tập trung vào các quy định liên quan đến chuyển đổi giới tính. “Hy vọng rằng trong tương lai sẽ có những người làm tiếp để bao quát hết toàn bộ đối tượng chuyển đổi giới tính này”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.