Đại biểu Quốc hội chỉ ra mâu thuẫn giữa bầu cử đại biểu với mong muốn có đại biểu chất lượng cao
Đại biểu Quốc hội được bầu dựa trên phiếu đại diện nhưng mong muốn tới đây là nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu. Vì vậy ở đây đã xuất hiện mâu thuẫn đã được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (tỉnh Đồng Tháp) chỉ ra.
Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sáng 26/5, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đồng tình và hoan nghênh việc nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 40%.
Theo bà, đây là điểm mới, điểm nhấn của dự án Luật lần này. Nhưng điều đáng tiếc rằng quy định thu hút đại biểu Quốc hội là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm hoạt động đại biểu vào Quốc hội thì chưa được đưa vào lần sửa đổi này.
Bà Hoa hiểu rằng Quốc hội là cơ quan đại biểu và bầu đại biểu Quốc hội dựa trên phiếu đại diện. Trong khi đó, chúng ta lại đặt vấn đề nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách và nâng cao chất lượng hoạt động đại biểu. Ở đây xuất hiện một mâu thuẫn giữa luật hóa được tính đại diện với mong muốn đại biểu có chất lượng cao hay chuyên sâu về một lĩnh vực nào đấy.
"Thời gian qua khi mà các đại biểu bấm nút thông qua một dự luật mà còn nhiều ý kiến khác nhau thì các đại biểu Quốc hội có hiểu biết chuyên sâu đã tác động rất lớn đến các đại biểu Quốc hội khác", bà Hoa nhận định.
Việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách là để thực hiện chính sách thu hút này nhưng việc ấn định tỷ lệ đại biểu Quốc hội là chuyên gia, nhà khoa học thực sự rất là khó, nhất là khi thực hiện bầu cử là quyền công dân thì việc can thiệp để có tỷ lệ nào đó là rất khó.
Trước mắt, bà Hoa đồng tình là sẽ quy định chính sách thu hút và cụ thể hóa tiêu chí lựa chọn, cơ cấu trong đề án bầu cử đại biểu Quốc hội tới đây. Tuy nhiên, về lâu dài, theo Đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp, cần nghiên cứu thấu đáo để có thể đặt ra và giải quyết vấn đề này khi tiến hành sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND vào thời điểm thích hợp.
Ngoài ra, bà Hoa cũng góp ý về trách nhiệm của đại biểu chuyên trách tham gia hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Theo dự thảo Luật, đã bổ sung thêm khoản 7 Điều 47 là "căn cứ vào yêu cầu, tình hình thực tiễn, Quốc hội quyết định triệu tập hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trước 1 kỳ họp để thảo luận, cho ý kiến về các phương án, đề án trình Quốc hội".
Đại biểu Hoa đồng tình việc quy định rõ thêm trách nhiệm của đại biểu Quốc hội chuyên trách nhưng băn khoăn ở điều kiện “căn cứ vào yêu cầu, tình hình thực tiễn”. Thực tế cho thấy, hội nghị đại biểu chuyên trách có hiệu quả rất lớn và ý kiến của đại biểu chuyên trách trong các kỳ họp rất nhiều nên nếu tăng cường họp hội nghị đại biểu chuyên trách thì sẽ bớt thời gian họp toàn thể.
Do vậy, bà Hoa cho rằng không nên đưa ra điều kiện “căn cứ vào yêu cầu, tình hình thực tiễn” mà nên coi hội nghị đại biểu chuyên trách là việc cần thiết để phát huy vai trò của đại biểu chuyên trách.