Đại biểu Quốc hội chỉ ra một số nội dung chưa hợp lý trong dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi
Cho ý kiến về dự án Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) các đại biểu đã chỉ ra một số nội dung trong dự thảo Luật còn chưa hợp lý, chưa đảm bảo tính khả thi. Trong đó có quy định: 'Hàng năm Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải tổ chức đối thoại theo Điều 56, đối thoại với người bị bạo lực và người không bị bạo lực'.
Ông PHẠM VĂN HÒA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Tôi cho rằng không khả thi. Chủ tịch Ủy ban cấp tỉnh mà đi mời những người bị bạo lực và không bạo lực đến đối thoại hàng năm thì không hợp lý. Mà chỉ giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc làm này sẽ phù hợp hơn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh mà đi đối thoại với những đối tượng này sẽ không phù hợp và không thực tiễn. Cho nên cũng mong rằng Ban soạn thảo có nghiên cứu điều chỉnh và bổ sung những vấn đề có liên quan đến vấn đề hành vi bạo lực gia đình.”
Bà ĐOÀN THỊ LÊ AN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: “Hầu hết người Việt Nam cho rằng bạo lực gia đình là chuyện riêng tư, bí mật gia đình, tránh vạch áo cho người xem lưng và hầu hết có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực về thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Hành vi bạo lực gia đình là hành vi đáng bị lên án nên tôi nghĩ rằng tổ chức đối thoại, mời những người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình đến sẽ rất khó thành công, chưa nói đến việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp hàng năm đều phải thực hiện tổ chức đối thoại.”
Bà TRẦN THỊ KIM NHUNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: “Đây là một quy định rất cứng và việc tổ chức này cần có linh hoạt cả về phương pháp, cách thức, hình thức để phù hợp. Tôi xin dẫn ra một ví dụ thực tế đã xảy ra rất nhiều năm tại một thành phố trực thuộc trung ương, đó là khi đồng chí Bí thư Thành ủy nhận được thông tin có hành vi bạo lực gia đình thì đã mời những người chồng đến để trao đổi về việc phát triển kinh tế gia đình và thông qua cuộc gặp gỡ đó thì sẽ lồng vào việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục cũng như để tác động, để thay đổi hành vi bạo lực gia đình và thực tế đã rất hiệu quả.”
Về quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phân công người giúp đỡ, động viên những người có hành vi bạo lực gia đình, theo các đại biểu trách nhiệm này còn chung chung và nên quy định cho một cơ quan cụ thể chịu trách nhiệm chính trong giải quyết bạo lực gia đình sẽ hợp lý hơn.
Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam