Đại biểu Quốc hội chỉ rõ 'kẽ hở' từ kinh doanh bảo hiểm mà các đối tượng đa cấp lợi dụng
Sáng nay (29/10), Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Dễ hình thành đường dây đa cấp từ kinh doanh bảo hiểm
Tại phiên thảo luận, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) lưu ý tình trạng lợi dụng các loại hình kinh doanh bảo hiểm để hình thành các loại huy động vốn, nhất là huy động vốn đa cấp thông qua nhiều kênh khác nhau. Tức là người mua trở thành đại lý ảo, đại lý không chính thức rồi quay lại tìm kiếm, lôi kéo những người mua cấp thấp hơn, từ đấy hình thành đường dây đa cấp, dẫn đến việc rủi ro, đổ vỡ.
ĐB Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, dù quy định luật ghi khá rõ tiêu chuẩn đại lý là như thế nào, quy định bảo hiểm phải có hợp đồng quy định rõ trách nhiệm bên bán, bên mua, thế nhưng hiện nay có loại hợp đồng chung, hợp đồng giao kết điện tử trên không gian mạng, đây chính là kẽ hở để các đối tượng kinh doanh đa cấp có thể lợi dụng.
"Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định chặt chẽ hơn hoặc nêu rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước để tăng cường quản lý và chế tài đối với các vấn đề nảy sinh nêu trên" - vị ĐB đoàn Thái Bình đề nghị.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Nhà nước rất nhân văn. Tuy nhiên, trong dự thảo luật thì vẫn chưa nêu cụ thể được các chính sách ra sao, cơ chế tài chính, nhân lực, thủ tục đăng ký kinh doanh dẫn đến việc khó thực hiện sau này. Cơ quan soạn thảo cần nêu rõ ràng, cụ thể vào luật.
Về nguyên tắc cung cấp sử dụng dịch vụ bảo hiểm, ĐB Phạm Văn Hòa nêu ý kiến: việc quy định dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo điều ước quốc tế là khá cần thiết. Tuy nhiên, cần phải cẩn trọng, quy định rõ ràng, tránh việc lợi dụng để chuyển tiền qua nước ngoài qua loại hình bảo hiểm một cách hợp pháp.
Nhiều doanh nghiệp mua bảo hiểm tại ngân hàng để thuận lợi khi giao dịch
Nhấn mạnh về điều 18 quyền và nghĩa vụ bên mua bảo hiểm, ĐB Trần Chí Cường (Đoàn Đà nẵng) cho biết, hiện hợp đồng nặng về bảo vệ lợi ích và rủi ro cho bên doanh nghiệp bảo hiểm trong khi người thụ hưởng, người mua bảo hiểm thì chưa được chú trọng đúng mức.
"Trên thực tế một số loại hình bảo hiểm có tình trạng người mua được cung cấp hợp đồng mà các điều khoản hầu hết có lợi cho bên bán. Do đó cần quy định trong dự thảo luật đảm bảo cân bằng lợi ích giữa bên bán và bên mua, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, công khai, quy định chặt chẽ" - ĐB Cường đề nghị.
Cũng theo vị ĐB này, hiện hầu hết các ngân hàng thương mại đều cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Tùy theo từng ngân hàng triển khai kinh doanh theo hình thức khác nhau: làm đại lý cho công ty bảo hiểm hoặc triển khai dịch vụ qua công ty bảo hiểm… Tại nhiều chi nhánh tổ chức tín dụng xảy ra tình trạng khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ hủy hợp đồng ngay trong năm đầu tiên mà không tiếp tục ở những năm tiếp theo.
Theo phản ánh, nhiều khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng mang tính chất đối phó để đảm bảo thuận lợi khi giao dịch với ngân hàng. Từ đó, ĐB Cường đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với NHNN hoàn thiện cơ chế chính sách tăng cường quản lý giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý ngân hàng thương mại.
Cần cấm hành vi làm phiền khách hàng của nhân viên bảo hiểm
ĐB Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa) phản ánh tình trạng nhiều chủ thuê bao di động bị làm phiền khi suốt ngày nhận các cuộc gọi quảng cáo bảo hiểm. Từ đó, ĐB này đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để đưa vấn đề này vào các hành vi bị cấm trong dự án luật.
Cùng nói về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo luật, ĐB Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, tại điểm b, c, khoản 4, điều 10 quy định về hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Trên thực tế, hành vi gian lận đôi khi không xảy ra như dự thảo đã nêu mà còn có thể xảy ra việc nhân viên bán bảo hiểm lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để cố ý viết, điền, khai hộ, khai sai lệch thông tin của khách hàng trên văn bản giao kết với doanh nghiệp bảo hiểm.
"Việc này, dẫn đến từ chối chi trả bồi thường theo cam kết, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi có vấn đề phát sinh. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu vấn đề này" - ĐB Huỳnh Thị Phúc nói./.