Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về 4 dự án luật
Sáng 28/3, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, diễn ra trong hai ngày 28-29/3, để thảo luận về 4 dự án luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị.
Cùng dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền vững, đã được Đảng đề ra.
Tại Kỳ họp thứ nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo định hướng cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV, trong đó đặt ra yêu cầu: “Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội”.
Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Kế hoạch số 81 để triển khai thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó, xác định 137 nhiệm vụ lập pháp với 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, huy động quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
Kỳ họp thứ ba của Quốc hội sắp tới có nội dung trọng tâm về công tác lập pháp. Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về 4 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi; bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ… đã sớm được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đề ra.
Mặc dù là Luật sửa đổi, bổ sung nhưng có đến hơn 100 điều của Luật hiện hành phải sửa đổi; đồng thời, còn điều chỉnh một số quy định tại 4 luật khác có liên quan. Việc ban hành Luật sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.
Để đảm bảo chất lượng của dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến chú trọng vào các nội dung sau: Về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; việc bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca...
Về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, Dự án Luật này có phạm vi điều chỉnh rất rộng, việc sửa đổi đòi hỏi phải được thực hiện một cách thận trọng, kỹ lưỡng, có tính tổng thể để bao quát hết các lĩnh vực, các đối tượng thi đua, khen thưởng.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tập trung vào việc đảm bảo các quan điểm, yêu cầu, mục tiêu sửa đổi và một số nội dung như: Về bổ sung và tiêu chuẩn xét tặng hoặc truy tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang; tiêu chuẩn, thẩm quyền đề nghị và xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; về xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng… và những vấn đề khác mà đại biểu quan tâm nhằm bảo đảm công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Điện ảnh được sửa đổi toàn diện nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa - xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, thực hiện hiệu quả cam kết trong các khuôn khổ pháp lý quốc tế về lĩnh vực điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại đợt họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Phiên họp thứ 9. Tại Hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tập trung vào một số vấn đề, phương án quy định cụ thể các điều khoản chi tiết, hạn chế tối đa tình trạng “luật khung, luật ống”, nhất là về các nội dung: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước; phổ biến phim trên không gian mạng; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh…
Về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay, tiềm năng thị trường bảo hiểm tại Việt Nam rất lớn; nhu cầu bảo hiểm ngày càng cao. Trong khi đó, quy mô thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn, tỉ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP còn thấp; chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm không ổn định; thông tin và nguồn thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm còn chưa đa dạng, đầy đủ, toàn diện, dễ phát sinh tranh chấp.
Do đó, dự án Luật này đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ hai theo hướng sửa đổi toàn diện nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra; xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đến nay, Dự thảo Luật đã cơ bản được hoàn thiện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu phát biểu tập trung, sâu hơn về các vấn đề: Về nguyên tắc áp dụng pháp luật; các quy định về các loại hình bảo hiểm; các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, về đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; quy định về hợp đồng bảo hiểm; việc tiếp tục duy trì hay dừng hoạt động của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm...