Đại biểu Quốc hội: Có bao nhiêu nhà thầu đủ năng lực làm cao tốc?

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 9-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, cả nước có 48 nhà thầu từng làm công trình giao thông cấp 1 (làm được cao tốc), có thể đảm nhận dự án từ 1.000 tới 5.000 tỷ đồng.

Cả nước có 48 nhà thầu từng làm công trình giao thông cấp 1

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) nhấn mạnh, trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể có khẳng định, chỉ có những dự án lớn mới xảy ra tình trạng chậm tiến độ. Trong khi đó tại kỳ họp này, Bộ lại tiếp tục trình thêm 5 dự án lớn tiếp theo. Như vậy, khả năng chậm tiến độ với các dự án này là hiện hữu.

Đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ, hiện tại trong cả nước có bao nhiêu nhà thầu đủ năng lực để thực hiện những dự án này? Và nếu tiếp tục không kịp tiến độ thì trách nhiệm tham mưu của Bộ trong vấn đề này ra sao?

 Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Trả lời đại biểu Lê Hoàng Anh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, cả nước có 48 nhà thầu từng làm công trình giao thông cấp 1 (làm được cao tốc), có thể đảm nhận dự án từ 1.000 tới 5.000 tỷ đồng. Trong số đó có 2 nhà thầu có thể làm dự án hơn 5.000 tỷ đồng.

"Với lực lượng đông đảo như vậy, chúng ta có thể đấu thầu lựa chọn nhà thầu", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, trong quá trình triển khai, không phải nhà thầu chính sẽ làm 100% mà thường thuê 30% để nhà thầu nhỏ tham gia cùng. Như vậy có nghĩa rằng, có hàng trăm nhà thầu nhỏ có thể tham gia cùng 48 nhà thầu lớn này.

Ngành Giao thông vận tải không có tư duy nhiệm kỳ

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, một số công trình xây dựng của Việt Nam còn mang tư duy nhiệm kỳ, nhất là khâu lập, thẩm định, sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án.

“Tình trạng tư duy nhiệm kỳ có tồn tại ở lĩnh vực giao thông hay không?”, đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể: Ngành giao thông vận tải không có tư duy nhiệm kỳ. Ảnh: Trọng Hải

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể: Ngành giao thông vận tải không có tư duy nhiệm kỳ. Ảnh: Trọng Hải

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông vận tải đăng ký số vốn 50 ngàn tỷ đồng. Tất cả danh mục dự án đều được tổ chức, họp rà soát kỹ trước khi xác định số vốn đăng ký.

Trong hai năm vừa qua, Bộ đều giải ngân đạt 95-96%, số mấy phần trăm còn lại chủ yếu rơi vào dự án gặp yếu tố bất khả kháng như về giải phóng mặt bằng, địa chất yếu. Do đó, Bộ có niềm tin trong năm 2022 và những năm tiếp theo khi đăng ký và được bố trí vốn thì chỉ đạo từng tháng, từng tuần để không sử dụng vốn dư, gây lãng phí.

“Riêng ngành giao thông vận tải không có tư duy nhiệm kỳ, bởi lẽ, các quốc lộ, cao tốc đều trong quy hoạch dài hạn, không phải là bộc phát. Đa số dự án lớn đăng ký với Quốc hội, Chính phủ đều nằm trong nghị quyết của Đại hội Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng, căn cứ bảo đảm khách quan, minh bạch. Các dự án được cho là cấp bách và nếu thực hiện sẽ tạo ra cơ hội mới thì các ngành báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét bấm nút”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Nguyên nhân số liệu bị "vênh" so với kiểm toán

Tham gia tranh luận với Bộ trưởng Thể về vấn đề BOT, đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) nói, Bộ trưởng có nêu khó khăn khi làm dự án theo hình thức PPP; dự án BOT triển khai chưa bảo đảm phương án tài chính nên phải xử lý bằng cơ chế riêng; việc tăng giảm thu phí tại một số sự án...

Nhưng thống kê của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho thấy, qua kiểm soát 83 dự án BOT và BT, cơ quan này đã kiến nghị giảm thời gian thu phí so với phương án ban đầu với các dự án là 302 năm. Trong đó, có dự án giảm thời gian thu phí lên đến 10 năm.

Điều có chứng tỏ có khó khăn trong việc giám sát quy trình thực hiện các dự án BOT để bảo đảm dự án triển khai đạt hiệu quả. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm thực trạng này?

Giải trình ý kiến tranh luận của đại biểu Lê Minh Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng “phải nghiên cứu thật kỹ vấn đề này”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải, dự án án BOT khi chưa có Luật Đầu tư công, theo Nghị định 108 của Chính phủ, việc đấu thầu dự án là khi dự án đầu tư được duyệt, chưa phải là thiết kế kỹ thuật được duyệt, chưa phải dự toán được duyệt. Trong khi đó, dự án đầu tư còn có nghiên cứu, có phần dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá... và nhiều loại dự phòng khác.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo quy định, hợp đồng là hợp đồng nguyên tắc, ký hợp đồng theo dự án được duyệt. Trong hợp đồng có đưa điều khoản, sau khi dự án hoàn thành, căn cứ vào kết quả quyết toán của dự án thì Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư điều chỉnh thời gian thu phí theo số liệu thực mà dự án được triển khai.

"Vì vậy chúng ta có hai con số, con số kiểm toán nêu ra, chúng tôi đã báo cáo là số liệu này đúng, nhưng chưa đúng bản chất, bởi chỉ đúng theo hợp đồng nguyên tắc – khi chưa có hồ sơ thiết kế, chưa triển khai, chưa giám sát, chưa điều chỉnh hợp đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Về con số thứ hai, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, từng dự toán BOT sau khi hoàn thành rồi mới kiểm toán, quyết toán, Bộ Giao thông vận tải mới ký hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí.

“Hai số liệu chỉ khác nhau ở chỗ hợp đồng nguyên tắc”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, Bộ Giao thông vận tải không làm sai về vấn đề này, bởi nếu ký hợp đồng sai là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dai-bieu-quoc-hoi-co-bao-nhieu-nha-thau-du-nang-luc-lam-cao-toc-696823