Đại biểu Quốc hội: Có bao nhiêu nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án giao thông lớn?

Đại biểu chất vấn, hiện nay Việt Nam có bao nhiêu nhà thầu thi công đủ năng lực để thực hiện các dự án giao thông lớn?

Nếu không đảm bảo tiến độ trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng thế nào?

Đại biểu Lê Hoàng Anh – đoàn Gia Lai đặt câu hỏi: Hiện nay Việt Nam có bao nhiêu nhà thầu thi công giao thông đủ năng lực để thực hiện các dự án giao thông lớn?

Đại biểu Lê Hoàng Anh - đoàn Gia Lai

Đại biểu Lê Hoàng Anh - đoàn Gia Lai

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chiều 9/6, đại biểu Lê Hoàng Anh nhắc lại lời Bộ trưởng, chỉ có những dự án lớn mới chậm tiến độ. Tuy nhiên, Bộ lại tham mưu với Chính phủ trình 5 dự án lớn tiếp theo tại kỳ họp này. “Như vậy, trong thời gian tới chúng ta có khoảng 9 dự án cao tốc cùng một lúc, khả năng chậm tiến độ là hiện hữu” - đại biểu chỉ ra.

Vị đại biểu này đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết hiện nay Việt Nam có bao nhiêu nhà thầu thi công giao thông đủ năng lực để thực hiện các dự án này và có bao nhiêu thiết bị máy móc mà có thể thi công cùng một lúc với 9 dự án? “Nếu không đảm bảo tiến độ trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng thế nào?", - đại biểu Nguyễn Hoàng Anh chất vấn.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết tại trang web của Cục Quản lý Hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) đã nêu đầy đủ danh mục các nhà thầu giao thông. “Chúng tôi kiểm tra và thấy rằng có 48 nhà thầu từng làm công trình giao thông cấp 1 (làm được cấp 1 thì làm được cao tốc). 48 nhà thầu này đều có năng lực làm dự án từ 1.000 - 5.000 tỷ đồng. Trong đó, có 2 nhà thầu có thể làm dự án trên 5.000 tỷ đồng. Với lực lượng đông đảo như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình thực hiện dự án, không phải nhà thầu trúng thầu là sẽ làm toàn bộ. Thường thì nhà thầu chính sẽ có 30% thuê các nhà thầu nhỏ để hỗ trợ (nhà thầu sẽ phải đăng ký trong hồ sơ mời thầu). Do đó, ngoài 48 nhà thầu trên, có hàng trăm nhà thầu có thể làm được dự án 300 - 400 tỷ đồng cùng tham gia thực hiện các dự án.

Ngành Giao thông vận tải không có tư duy nhiệm kỳ

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn TP. Hà Nội đặt câu hỏi, một số công trình xây dựng của Việt Nam còn mang tư duy nhiệm kỳ, nhất là khâu lập, thẩm định, sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án.

Tình trạng tư duy nhiệm kỳ có tồn tại ở lĩnh vực giao thông hay không?”, đại biểu chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Một số công trình xây dựng của Việt Nam còn mang tư duy nhiệm kỳ, nhất là khâu lập, thẩm định, sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án. Tình trạng tư duy nhiệm kỳ có tồn tại ở lĩnh vực giao thông hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông vận tải đăng ký số vốn 50.000 tỷ đồng. Tất cả danh mục dự án đều được tổ chức, họp rà soát kỹ trước khi xác định số vốn đăng ký.

Trong hai năm vừa qua, Bộ đều giải ngân đạt 95-96%, số mấy phần trăm còn lại chủ yếu rơi vào dự án gặp yếu tố bất khả kháng như về giải phóng mặt bằng, địa chất yếu. Do đó, Bộ có niềm tin trong năm 2022 và những năm tiếp theo khi đăng ký và được bố trí vốn thì chỉ đạo từng tháng, từng tuần để không sử dụng vốn dư, gây lãng phí.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, riêng ngành giao thông vận tải không có tư duy nhiệm kỳ, bởi lẽ, các quốc lộ, cao tốc đều trong quy hoạch dài hạn, không phải là bộc phát. Đa số dự án lớn đăng ký với Quốc hội, Chính phủ đều nằm trong nghị quyết của Đại hội Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng, căn cứ bảo đảm khách quan, minh bạch.

Đồng thời, tư lệnh ngành giao thông vận tải cũng cũng nói thêm các dự án giao thông được Bộ tham mưu Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội. Quốc hội rà soát bấm nút thông qua và cũng giám sát cuối cùng về các dự án.

Quỳnh Nga - Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-co-bao-nhieu-nha-thau-du-nang-luc-thuc-hien-du-an-giao-thong-lon-179976.html