Đại biểu Quốc hội: 'Có vốn mà chậm đến tay người dân là có lỗi với dân'

Sáng 30/10, thảo luận về báo cáo giám sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia, việc giải ngân chậm trễ các nguồn vốn giúp xây dựng nông thôn mới, người dân thoát nghèo là mối quan tâm, lo lắng của các đại biểu Quốc hội. Có ý kiến cho rằng, 'có vốn mà chậm đến tay người dân là có lỗi với dân'.

Phân cấp cho các địa phương được quyết nhiều hơn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, tái nghèo một phần có nguyên nhân từ thiết kế các chương trình giảm nghèo, trong đó có 7 dự án nhưng chưa có dự án cụ thể nhấn mạnh nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân trong các địa bàn khó khăn.

Nhiều đại biểu lo lắng giải ngân vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.

Nhiều đại biểu lo lắng giải ngân vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, qua thực tế giám sát cho thấy, có nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tái nghèo là gia đình có người ốm đau. Những bệnh phổ biến như tiểu đường, cao huyết áp… cần được quản lý và điều trị thường xuyên, nhưng nguồn lực cho y tế cơ sở còn hạn chế nên việc điều trị còn nhiều bất cập. Không có thuốc tốt để điều trị thường xuyên, không có phương tiện để chăm sóc, kiểm soát các biến chứng cũng như sơ cứu ban đầu.

“Chính vì vậy, tỷ lệ biến chứng gặp rất cao ở địa phương nghèo. Một người thân trong gia đình bị đột quỵ phải lên thành phố chữa bệnh là tất cả tiền dự trữ trong nhà "đội nón ra đi"; chưa kể phải vay mượn khắp nơi. Người bệnh ra viện về nhà, kèm theo tàn phế không còn khả năng lao động lại là một gánh nặng để gia đình phải chăm sóc” - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho hay.

Nguyên nhân tái nghèo theo như phân tích của các đại biểu là rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, người nghèo có thực sự muốn thoát nghèo?

Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên), thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo để tiếp tục được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo.

Việc giải ngân cho công tác giảm nghèo được thực hiện ồ ạt, tuy nhiên hiệu quả thì chưa đảm bảo. Nguồn lực chưa chắc đến được đúng đối tượng, khó để đo đếm hiệu quả của việc triển khai nguồn lực. Đại biểu đề nghị cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho địa phương, để địa phương được quyết định “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”, tháo gỡ về căn bản những vướng mắc hiện nay.

Việc giải ngân rất chậm, theo các đại biểu, là đồng nghĩa với việc người dân chưa được thụ hưởng chính sách.

Nguyên nhân căn cơ mà người dân chưa muốn thoát nghèo vì chưa có sự bền vững, người dân chưa muốn và chưa yên tâm khi thoát nghèo. Hết chương trình, dự án thì nghèo lại hoàn nghèo. Điều quan tâm là chất lượng các chương trình phải mang tính bền vững cao, “khi người dân yên tâm, hồ hởi thì không ai muốn nghèo đâu”, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) bấm nút tranh luận, nói.

Việc phân cấp, phân quyền cho địa phương là quan trọng. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị nên gỡ về cơ chế, không cần phải phân rõ “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”.

“Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa phát biểu trước đó, trung ương chỉ quản lý các mục tiêu, chỉ tiêu, còn cách làm như thế nào thì để địa phương chủ động” - đại biểu Tạ Văn Hạ đề xuất.

Đồng tình kéo dài thời gian giải ngân vốn sang năm 2024

Tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với yêu cầu, nhất là vốn sự nghiệp, đến 30/6/2023 mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn của năm. Để đạt được mục tiêu đề ra là rất khó khăn.

Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị giao quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương.

Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị giao quyền chủ động nhiều hơn cho địa phương.

Đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho rằng, còn hiện tượng không muốn thoát nghèo để hưởng trợ cấp. Đại biểu đồng tình cao với các nội dung quan trọng như cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách được phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia 2023 chưa giải ngân hết để tiếp tục thực hiện đến ngày 31/12/2024.

Ngoài ra, đại biểu đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm khoán kinh phí 3 CTMTQG theo địa bàn cấp huyện, cân đối bố trí đủ ngân sách theo các nghị quyết của Quốc hội để thực hiện có hiệu quả các CTMTQG.

Đại biểu Trần Quốc Quân (Long An) cho rằng, cần phải tháo gỡ khó khăn, tồn đọng trong thực hiện các CTMTQG. Theo đại biểu, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG đã có tác động lớn đến xã hội, cải thiện môi trường nông thôn. Việc thực hiện 3 chương trình đã tạo động lực và huy động được toàn bộ nguồn lực xã hội cho quá trình phát triển và triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận cao trong người dân.

Tuy nhiên, để việc triển khai thực hiện các chương trình này một cách đồng bộ, toàn diện, đạt mục tiêu và phát huy tối đa hiệu quả, các bộ, ngành quan tâm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập còn tồn đọng trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình trong thời gian tới.

Các văn bản chỉ đạo hướng dẫn tổ chức quản lý thực hiện các chương trình đến nay cơ bản đã được ban hành đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều văn bản hướng dẫn còn chung chung, chưa rõ ràng khó hiểu, khó thực hiện, không phù hợp thực tế. Việc dẫn chiếu quá nhiều trong một văn bản dẫn đến khó khăn, lúng túng cho cán bộ và người dân đặc biệt là cán bộ cấp xã ở các địa phương miền núi vùng cao địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Chậm giải ngân không chỉ lãng phí về tiền bạc của Nhà nước, mà những điều tốt đẹp chậm đến với người nghèo. Có đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền về các CTMTQG; bên cạnh sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách, cần huy động các nguồn xã hội hóa, giảm áp lực từ ngân sách./.

Thảo luận tại tổ về vấn đề này, đại biểu Lê Văn Khảm (Bình Dương) cho hay, có địa phương trước khi xã được chuyển thành nông thôn mới thì học sinh người dân tộc thiểu số ở các xã đó được hỗ trợ tiền ăn trong quá trình học nội trú ở các trường bán trú.

Tuy nhiên, khi xã đạt nông thôn mới thì lại không còn phần hỗ trợ ngân sách này nữa, bố mẹ chỉ cho gạo và rau mang đến trường học thôi, có những gia đình được 20.000 - 30.000 đồng một tháng thì không thể mua được một thức ăn gì cả, ngoài rau, như vậy thì học sinh lại bỏ học. Trong khi đó, chính chương trình xóa đói giảm nghèo lại có hợp phần về cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em, nhưng tiền thì không dùng đến và năm 2022 hợp phần này không thực hiện được và chuyển sang năm 2023.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-co-von-ma-cham-den-tay-nguoi-dan-la-co-loi-voi-dan-138481.html