Đại biểu Quốc hội: Đặc thù nhưng tỉnh nào cũng giống tỉnh nào thì không đúng, không công bằng!

Sáng 31-5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về 2 dự thảo nghị quyết này.

 Các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 31-5. Ảnh: PHAN THẢO

Các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 31-5. Ảnh: PHAN THẢO

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất 5 chính sách mới theo thực tế của TP Đà Nẵng nhằm phát triển TP Đà Nẵng, tạo động lực phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Trong đó, Chính phủ đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Theo đó, thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu để thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao, công nghệ cao.

Đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng là chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nhưng thế giới thì đã có. ĐB đồng tình nhưng đề nghị làm thận trọng, vì nếu thành công có thể nhân rộng cho các đô thị lớn khác. Đặc biệt cần làm rõ nội dung “Khu thương mại tự do Đà Nẵng là trường hợp được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai để đẩy nhanh việc thành lập mô hình mới này”.

ĐB Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, cần có chính sách khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm. “Miễn là làm vì mục đích chung, không tư lợi, thì dù kết quả không đạt cũng không bị xử lý kỷ luật. Điều này không chỉ cần cho Đà Nẵng mà cho cả các địa phương khác”, ĐB Phạm Văn Hòa đề xuất.

Về dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Chính phủ nhấn mạnh nhằm tạo sức bật mới, phát triển Nghệ An xứng với vai trò là trung tâm của vùng Bắc Trung bộ.

Đáng chú ý, trong nhóm chính sách của Nghệ An, đối với chính sách hỗ trợ ngân sách giữa các cấp, các địa phương, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách (cơ quan thẩm tra) nhất trí với dự thảo Nghị quyết và cho rằng, việc áp dụng chính sách sẽ góp phần tăng cường nguồn lực cho tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn phía Tây Nghệ An.

Chính sách này cũng tương tự với chính sách đã được Quốc hội cho phép thí điểm áp dụng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế (Quỹ bảo tồn di sản Huế). Cũng theo dự thảo, UBND Nghệ An có không quá 5 phó chủ tịch (theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định những tỉnh loại I như Nghệ An có không quá 4 phó chủ tịch).

 Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: PHAN THẢO

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: PHAN THẢO

ĐB Phạm Văn Hòa đồng ý với chính sách liên quan đến ngân sách Trung ương hỗ trợ Nghệ An, nhưng với cơ chế hỗ trợ ngân sách giữa các cấp, các địa phương để Nghệ An có thể tiếp nhận hỗ trợ của các tỉnh thì cần cân nhắc.

“Chỉ cho phép nhận để đầu tư huyện Nam Đàn - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không nên áp dụng cho phía Tây Nghệ An. Vì cho phép, sẽ là mất công bằng với các tỉnh khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi”, ĐB Phạm Văn Hòa phát biểu.

Cũng theo ĐB Phạm Văn Hòa, Nghệ An xin cơ chế 5 phó chủ tịch UBND tỉnh là quá nhiều, vì tỉnh có dân số chỉ 3,5 triệu người, không thể so với TPHCM, Hà Nội là những nơi dân số rất đông, do đó nên cân nhắc. Riêng TP Vinh thì đồng ý có 3 phó chủ tịch UBND thành phố vì dân số TP Vinh là 1 triệu dân, tương đương với một số tỉnh.

Phát biểu về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, Nghệ An, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị, cần tổng kết việc thí điểm cơ chế đặc thù cho các địa phương để biết rõ việc thực hiện phân cấp cho các địa phương hiệu quả đến đâu. Vì thực tế, Quốc hội có Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ thì có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt.

“Việc phân cấp cho địa phương cần đánh giá rõ hơn, ví dụ dự án hồ chứa nước Bản Mồng ở Nghệ An mấy năm rồi nhưng triển khai rất chậm, do nhiều nguyên nhân. Do đó, cần chỉ ra những vướng mắc một cách rõ ràng để thực thi các chính sách đặc thù”, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn nói.

 Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Hải Dương. Ảnh: PHAN THẢO

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Hải Dương. Ảnh: PHAN THẢO

Dẫn thực tế chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công hiện nay, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, cần làm rõ cơ chế cho phép miễn trừ trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công nếu có đầu tư rủi ro, mạo hiểm, “làm rõ để tránh lợi dụng chính sách”.

ĐB Triệu Thế Hùng (Hải Dương) cũng đồng ý cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng, Nghệ An nhưng cho rằng, mỗi tỉnh có một chính sách đặc thù riêng, vì đặc thù nhưng tỉnh nào cũng giống tỉnh nào thì không đúng, không công bằng với các tỉnh chưa có cơ chế đặc thù.

“Một vấn đề trong thực hiện cơ chế thí điểm đó là vừa phải bảo đảm phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, nhưng phải bảo đảm không gây “so bì” cho các địa phương khác”, ĐB Phạm Văn Hòa cũng nêu.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dai-bieu-quoc-hoi-dac-thu-nhung-tinh-nao-cung-giong-tinh-nao-thi-khong-dung-khong-cong-bang-post742423.html