Đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác điều hành ngân sách của Chính phủ
Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng năm 2022 kinh tế có tăng trưởng, thu ngân sách đạt khá, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giảm nợ công và bội chi ngân sách.
Có nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm
Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đồng tình với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 của Chính phủ trình, nên không có nhiều đại biểu phát biểu ý kiến.
Phiên thảo luận tại hội trường được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và người dân cả nước theo dõi. Tuy nhiên, chỉ có 3 đại biểu Quốc hội bấm nút phát biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu trước phiên thảo luận cho biết, việc thảo luận về phê chuẩn quyết toán NSNN là nhiệm vụ thường xuyên tháng 5 hàng năm của Quốc hội để đánh giá việc thực hiện chính sách tài khóa trong 1 năm và phê chuẩn quyết toán NSNN.
Là đại biểu (ĐB) phát biểu đầu tiên, ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đánh giá cao Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022. ĐB đánh giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện dự toán NSNN.
Trong đó, thu ngân sách năm 2022 vượt dự toán 28,8%, thu từ các khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI, kinh tế ngoài quốc doanh đều đạt và vượt dự toán, cân đối ngân sách chi thực hiện mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giảm nợ công và bội chi ngân sách.
ĐB Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre): Tăng thu ngân sách tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển
Qua số liệu về quyết toán năm 2022, ĐB đánh giá rất cao công tác điều hành của Chính phủ khi 3 chỉ số rất quan trọng của năm 2022 đều đạt và vượt.
Số tăng thu ngân sách năm 2022 rất cao, tạo nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường liên vùng, những dự án trọng điểm quốc gia và địa phương.
Theo ĐB Đỗ Thị Lan, về công tác quyết toán ngân sách năm 2022, ngay sau khi có Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 19/6/2023 về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021, Chính phủ đã ban hành chỉ thị với nhiều giải pháp cụ thể thực hiện đạt kết quả. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tăng cường giám sát, làm việc với các bộ ngành liên quan đôn đốc thực hiện quy định của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội. Bộ Tài chính, các bộ ngành địa phương, Kiểm toán Nhà nước có nhiều cố gắng trong công tác báo cáo quyết toán NSNN. Tăng cường cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; rà soát, thu hồi tạm ứng quá hạn và thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực.
Đồng tình với ý kiến phát biểu trước đó, ĐB Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) nhận định, qua số liệu về quyết toán năm 2022, ĐB đánh giá rất cao công tác điều hành của Chính phủ khi 3 chỉ số rất quan trọng của năm 2022 đều đạt và vượt. Số tăng thu ngân sách năm 2022 rất cao, tạo nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường cao tốc, các tuyến đường liên vùng, những dự án trọng điểm quốc gia và địa phương.
“Trong năm 2022, số thực chi thấp hơn dự toán. Số bội chi ngân sách cũng rất tiết kiệm, chi thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao... Qua Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách, Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, tôi bày tỏ đánh giá cao và thống nhất với việc phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022”- ĐB Nguyễn Trúc Sơn nói.
Khắc phục tình trạng chuyển nguồn khi nhu cầu chi vẫn lớn
Tuy nhiên, theo ĐB Đỗ Thị Lan, bên cạnh kết quả đạt được, còn một số hạn chế cần quan tâm khắc phục. ĐB đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình, thống kê tổng hợp đánh giá của cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo về NSNN và các cơ quan đơn vị liên quan hướng đến số liệu báo cáo đánh giá kết quả thực hiện NSNN.
ĐB Đỗ Thị Lan quan tâm đến một số khoản chi ngân sách đạt thấp so với dự toán. Theo đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương đạt thấp so với kế hoạch vốn được giao.
Nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương tại địa phương có nhu cầu rất lớn nhưng không bố trí được kinh phí để thực hiện, trong khi phải hủy bỏ dự toán ngân sách. Thực hiện kế hoạch vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạt 37,7% dự toán, có địa phương đạt dưới 10%.
Thực hiện kế hoạch vốn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, một số chính sách, tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là chính sách đầu tư phát triển y tế, lao động. Qua đó cho thấy, việc sử dụng NSNN có nơi chưa hiệu quả, còn lãng phí, nguồn lực bố trí cho nhiều nội dung không thực hiện được, trong khi nhu cầu đầu tư còn nhiều, phải vay và trả nợ lãi để bù đắp bội chi ngân sách.
Vì vậy, ĐB Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật NSNN, quy định phù hợp để rút ngắn quy trình, thời gian lập, thẩm định quyết toán NSNN, kịp thời luật hóa các cơ chế đặc thù về tài chính, tháo gỡ những vướng mắc trong chi NSNN; cho phép địa phương sử dụng ngân sách địa phương chi cho nhiệm vụ chi thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương...
ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) cũng bày tỏ đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán, quyết toán NSNN (NSNN) năm 2022.
Tuy nhiên, theo ĐB Phạm Thị Thanh Mai, mặc dù có cố gắng nhưng hiện nay số nợ xây dựng cơ bản chưa có xu hướng giảm và đã xuất hiện mới. ĐB cho rằng, nếu chúng ta không rốt ráo vấn đề này thì sẽ tiếp tục phát sinh nợ mới. Do đó, cần phải hạn chế ảnh hưởng tối đa đến các doanh nghiệp sử dụng vốn đầu tư công một cách chân chính và trao gửi niềm tin thực hiện các dự án đầu tư công, vay vốn ngân hàng, sau đó phải kịp thời thanh toán khi có khối lượng hoàn thành.
ĐB Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước trong thời gian qua đã thúc đẩy các khối lượng hoàn thành. “Chỉ trong vòng 3 ngày làm việc, nếu nhà thầu chốt được khối lượng hoàn thành, thì được KBNN thanh toán ngay”, nữ ĐB nói.
Tuy vậy, ĐB Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, trách nhiệm các chủ đầu tư chưa thực sự vào cuộc cùng với các nhà thầu để tháo gỡ khó khăn hoặc thúc đẩy nhanh hơn công tác này. ĐB đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nội dung này với Quốc hội, để chấm dứt tình trạng này.
Liên quan đến điều hành ngân sách địa phương, ĐB Nguyễn Trúc Sơn đề nghị cân nhắc việc cho phép sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng cơ quan cấp xã trong thời gian tới.
Các ý kiến của ĐB đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời cặn kẽ, đầy đủ với mong muốn tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và khắc phục các tồn tại hạn chế, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước./.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải: Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ
Đánh giá kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu đánh giá công tác quyết toán NSNN năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực so với các năm trước, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức ở trong và ngoài nước nhưng thu ngân sách vượt 28,8% so với dự toán.
Chi ngân sách cơ bản đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước, chi thường xuyên bằng 59% tổng chi NSNN, bội chi ngân sách thấp hơn dự toán Quốc hội giao, nợ công trong giới hạn cho phép, kỷ luật thu, chi ngân sách từng bước được cải thiện.