Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc thêm việc đổi tên Tòa án

ĐBQH cho rằng, cần cân nhắc thêm việc đổi tên TAND tỉnh, TAND huyện thành Tòa án phúc thẩm, Tòa án sơ thẩm.

Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Chiều 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) thống nhất cao với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức TAND với đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn.

Về tổ chức và thẩm quyền thành lập Tòa phúc thẩm, Tòa sơ thẩm, Tòa sơ thẩm chuyên biệt, đại biểu cho rằng, cần cân nhắc thêm việc đổi tên TAND tỉnh, TAND huyện thành Tòa án phúc thẩm, Tòa án sơ thẩm, cũng như việc thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt.

Đại biểu cũng cho rằng, cần đánh giá kỹ tác động khi thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt. Đề nghị nghiên cứu, nếu thành lập thì nên quy định cụ thể việc thành lập Tòa sơ thẩm chuyên biệt có thể theo lãnh thổ tùy tình hình và nhu cầu thực tế.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa)

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa)

Về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, đại biểu cho rằng, nếu chỉ yêu cầu, hướng dẫn đương sự cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các vụ việc hành chính, dân sự thì đây là gánh nặng cho người dân trong việc thu thập tài liệu, nhất là các tài liệu liên quan đến các vụ việc hành chính, vụ việc dân sự.

Nếu quy định chỉ yêu cầu đương sự cung cấp thông tin, tài liệu thì sẽ có nhiều vụ việc đương sự cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ, nhất là các tài liệu thuộc các cơ quan quản lý, dẫn đến kết quả xét xử sẽ bị sai lệch.

Theo đại biểu Mai Văn Hải, nên nghiên cứu quy định có trách nhiệm của đương sự và trách nhiệm của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ vụ việc hành chính, dân sự.

Về lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị làm rõ: Cơ chế để thực hiện phân công ngẫu nhiên như thế nào? Phương thức, cách thức thực hiện phân công ngẫu nhiên?

Yêu cầu nào để đảm bảo được thực hiện nguyên tắc vô tư, khách quan trong phân công xét xử.

Phân công ngẫu nhiên sẽ xảy ra có trường hợp vụ án khó mà giao cho Thẩm phán, hội thẩm năng lực hạn chế thì sẽ không thể có chất lượng xét xử tốt được.

Đại biểu đề nghị nên quy định căn cứ vào tính chất vụ án, năng lực của thẩm phán, hội thẩm để Chánh án phân công cho phù hợp.

Về phương thức tổ chức xét xử tại Tòa án, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần đánh giá lại việc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội.

Trên cơ sở đó, cần cụ thể hóa hơn nữa điều kiện tổ chức phiên tòa trực tuyến và cũng chỉ nên quy định đối với những vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, không liên quan đến bí mật Nhà nước.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-can-nhac-them-viec-doi-ten-toa-an-post662058.html