Đại biểu Quốc hội đề nghị chế tài đối với quy hoạch treo, dự án treo
Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 30-5, đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ có chế tài xử lý đối với các quy hoạch treo, dự án treo.
Quốc hội khóa XV đã chọn Luật Quy hoạch là chuyên đề giám sát đầu tiên với mục tiêu tìm hạn chế, nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm, đề xuất phương án xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030.
Ông Nguyễn Hữu Thông, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Đề nghị xử lý quy hoạch treo, dự án treo
Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Hữu Thông, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho rằng những nội dung được quy định trong Luật Quy hoạch chưa thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống, chưa tạo điều kiện cho thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Thậm chí còn có mặt kìm hãm sự phát triển vì chưa thu hút, phát huy các nguồn lực.
Qua thực tế giám sát, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những tác động tiêu cực đối với những tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực đến nay, nhất là vấn đề thu hút đầu tư.
Ông Thông cho rằng chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng tình, nhất là việc điều chỉnh quy hoạch trong phạm vi nhỏ, quy mô nhỏ liên quan đến việc triển khai các thủ tục đầu tư. Ông kiến nghị Quốc hội, Chính phủ phân cấp cho UBND hoặc là Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định vấn đề trên sau khi thống nhất với các bộ quản lý chuyên ngành nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, kiến tạo và thu hút nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
“Người dân hết sức quan tâm đến vấn đề quy hoạch treo và dự án treo. Đây cũng là nội dung gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt đối với người dân nằm trong vùng quy hoạch treo, dự án treo. Do đó, kiến nghị Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian thực hiện các quy hoạch treo, dự án treo, đồng thời có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra”, ông Thông nói.
Ông Trương Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đề nghị Quốc hội có một Nghị quyết để giải quyết dứt điểm vấn đề quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm ở các địa phương và có những đột phá về các chủ trương, chính sách để giải quyết tình trạng quy hoạch “treo”. Ông Nghĩa đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành giải quyết một số điểm quy hoạch treo nổi bật, kéo dài. Giải pháp thực hiện dựa trên các tiêu chí là tính hợp lý, khả thi và hài hòa các lợi ích.
Đề nghị chế tài nếu không công khai thông tin quy hoạch
Bà Nguyễn Thị Yến, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng, công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Nguyên nhân chủ quan là do Luật Quy hoạch và các luật, các văn bản hướng dẫn thi hành còn mâu thuẫn, chồng chéo với 318 nội dung bất cập được phát hiện.
Do đó, bà Yến bày tỏ thống nhất cao với các kiến nghị của đoàn giám sát Quốc hội về nội dung cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện 8 nội dung mà Luật Quy hoạch, các luật hiện hành chưa quy định. Hoặc các quy định có bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch.
Bà Yến đề nghị Quốc hội cân nhắc ngoài việc cho phép kéo dài thời gian theo định hướng cho phép điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch và hoàn thành quyết định hoặc phê duyệt trong năm 2022 – đối với quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho điều hành phát triển kinh tế – xã hội. Lưu ý đối với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia cơ bản trong năm 2023 phải hoàn thành. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu sớm có kế hoạch, chương trình phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện với lộ trình cụ thể để đảm bảo tiến độ hoàn thành các quy hoạch trên.
“Cần sớm triển khai tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung, nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia… Đề nghị cân nhắc hạn chế việc đơn vị tham gia tư vấn cùng thời điểm đối với nhiều quy hoạch và có giải pháp giải quyết phù hợp để nâng cao chất lượng, khắc phục tình trạng này”, bà Yến nói.
Ông Trần Văn Khải, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, cho rằng phải có kế hoạch rõ ràng, phân công cụ thể, có thời gian hoàn thành, kiểm tra giám sát. Bên cạnh đó, không nên phó mặc, phụ thuộc vào đơn vị tư vấn quy hoạch, các cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải chủ động đưa ra các định hướng lớn trong quy hoạch.
Ông Khải nói: “Người đứng đầu, các lãnh đạo cơ quan tổ chức lập quy hoạch phải dành thời gian nghiên cứu, đưa ra định hướng, góp ý cho tư vấn, tránh quy hoạch chậm tiến độ, kém chất lượng. Ngoài ra, phải huy động được sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực bên ngoài linh hoạt, nêu cao tinh thần dân chủ, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của các địa phương… để đảm bảo chất lượng và tiến độ quy hoạch”.
Ông Lê Văn Dũng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, cho rằng thời gian qua các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn còn hình thức; tính khả thi không cao; thiếu đồng bộ với quy hoạch ngành có liên quan; tính kế thừa, tính dự báo chưa cao; việc điều chỉnh quy hoạch không theo nhu cầu khách quan, chạy theo dự án, xa rời thực tiễn. Công tác quy hoạch vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, nguồn vốn; khó khăn về về đơn vị tư vấn… dẫn đến chất lượng quy hoạch thấp.
Ông Dũng đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia. Đây sẽ là nền tảng cốt lõi nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, kết nối hệ thống quy hoạch trong cả nước. Trước khi quy hoạch tổng thể quốc gia được ban hành, để hạn chế mâu thuẫn phát sinh khi các quy hoạch được lập, ông Dũng đề nghị thành lập ban chỉ đạo quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban nhằm hạn chế mâu thuẫn và giải quyết các bất cập, vướng mắc phát sinh trong lúc chờ sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan.
Ông Lê Thanh Hoàn, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo cụ thể hơn với Quốc hội vấn đề công khai thông tin quy hoạch. Ông cho rằng việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện được công bố, thông tin chưa được thực hiện nghiêm túc.
“Đề nghị trong dự thảo nghị quyết giám sát của Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch. Để đảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc”, ông Hoàn nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để đẩy nhanh và nâng cao chất lượng lập quy hoạch trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận trách nhiệm tiếp tục tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo những bộ ngành liên quan, các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch. Chất lượng quy hoạch cần được ưu tiên hàng đầu để phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Phải khắc phục được hạn chế, khó khăn, mâu thuẫn, chồng chéo, yếu kém…
Vân Ly