Đại biểu Quốc hội đề nghị 'đưa giá vé máy bay về thực chất' để không ảnh hưởng đến phát triển du lịch

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc cho rằng giá vé máy bay nội địa tiếp tục tăng cao không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là ngành du lịch mà còn tác động ngược lại đối với sự phát triển của ngành hàng không.

Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Đưa giá vé quay trở về bản chất thực

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu lo ngại của cử tri về tình trạng giá vé máy bay nội địa cao so với thu nhập bình quân của người dân. Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2024 mức tăng là rất cao, trung bình tỷ lệ tăng từ 13% đến 25%.

Trong khi đó, cơ quan chức năng lại cho rằng giá vé máy bay nội địa có tăng nhưng vẫn trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định tại Thông tư số 34.

Theo đại biểu, điều này không sai so với quy định của pháp luật nhưng so với giá vé máy bay của một số hãng hàng không ở các nước xung quanh, với những chặng bay có quãng đường tương đương thì giá vé các chặng bay nội địa nước ta có sự chênh lệch cao hơn.

"Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Tại sao giá vé máy bay nội địa khá đắt so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam? Tại sao giá vé tiếp tục tăng cao khi người dân có nhu cầu đi lại trong các dịp lễ, Tết, hè hoặc sự kiện quan trọng? Tình trạng khan hiếm vé máy bay xảy ra thường xuyên trong khi hãng hàng không quốc gia vẫn báo lỗ?", đại biểu nêu vấn đề.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận.

Cũng theo đại biểu, thời gian qua, Đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri đã có một số phản ánh, kiến nghị liên quan đến chặng bay đến huyện Côn Đảo, đặc biệt khi hãng hàng không BamBoo dừng bay thì các hoạt động về đi lại bằng đường hàng không ra Côn Đảo gặp rất nhiều khó khăn, giá vé tăng cao rồi nhưng cũng không có vé.

Vì sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, vì quyền lợi và nhu cầu chính đáng của cử tri và nhân dân, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nhấn mạnh, cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm, chỉ đạo và có giải pháp.

Thứ nhất, tạo cơ chế cạnh tranh minh bạch trong các hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng không để đưa giá vé quay trở về bản chất thực của nó. Để không còn "râm ran" trong dư luận về việc có hay không việc độc quyền hay ghim vé máy bay dẫn đến tình trạng khan hiếm và bán giá cao khi nhân dân có nhu cầu.

Thứ hai, thu hút đầu tư hạ tầng hàng không thay vì chỉ có Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV để kiểm soát, hạn chế tối đa sự chồng chéo của thuế, phí trên mỗi chiếc vé bán ra làm cho giá vé tăng cao như trong thời gian qua.

"Theo tôi, chúng ta nên xem xét, cân nhắc lại quy định áp giá sàn hay giá trần đối với giá vé máy bay nội địa. Bởi giá vé máy bay nội địa tiếp tục tăng cao không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là ngành du lịch mà còn tác động ngược lại đối với sự phát triển của ngành hàng không", đại biểu Huỳnh Thị Phúc kiến nghị.

Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, giải quyết và trả lời nội dung kiến nghị của cử tri

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, thời gian qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện đã rất quan tâm, chỉ đạo, giám sát, theo dõi và đôn đốc việc giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri.

Đại biểu Phạm Đình Thanh đánh giá cao trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong việc xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum:

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum:

Đại biểu Phạm Đình Thanh cho biết, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay đã có 2210/2216 kiến nghị được các cơ quan Nhà nước ở Trung ương xem xét, giải quyết trả lời, đạt 99,7%. Trong đó, các cơ quan của Quốc hội trả lời 62/62 kiến nghị, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trả lời 16/16 kiến nghị, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã giải quyết, trả lời 2117/2122 kiến nghị.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Đình Thanh, để đánh giá thực chất hơn về kết quả và chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, nội dung trả lời cần được phân rõ ra 03 nhóm cụ thể: Những kiến nghị đã có kết quả giải quyết cuối cùng; Những kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng đang được xem xét, giải quyết; Những kiến nghị Bộ, ngành đang nghiên cứu, tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Đại biểu Phạm Đình Thanh cũng cho biết, qua tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã tổng hợp, gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội 08 kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Nhà nước ở Trung ương. Tính đến nay, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã nhận được văn bản trả lời 8/8 kiến nghị, tuy nhiên có những việc tồn tại nhiều năm, chính quyền địa phương và cử tri nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả giải quyết cuối cùng như: Chi phí bồi thường, hỗ trợ cho người dân tại dự án tái định canh, tái định cư thủy điện Đăk Đrinh.

Đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường chỉ đạo, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết và trả lời nội dung kiến nghị của cử tri.

Đồng thời, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, giải quyết dứt điểm nội dung kiến nghị của cử tri thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành thuộc Chính phủ trong đó có các nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum nêu trên.

Xuân Trường - Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-dua-gia-ve-may-bay-ve-thuc-chat-de-khong-anh-huong-den-phat-trien-du-lich-20240523201722372.htm