Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang tiếp xúc cử tri TX. Cai Lậy, huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành
Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri, chiều 8-5, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cùng các ĐBQH tỉnh gồm: Tạ Minh Tâm, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Thị Uyên Trang đến tiếp xúc cử tri TX. Cai Lậy , huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Tại các điểm tiếp xúc, sau khi nghe ĐBQH tỉnh thông tin đến cử tri dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề bức xúc tại địa phương đến Đoàn ĐBQH tỉnh.
KIẾN NGHỊ VỀ ĐƯỜNG DÂN SINH
Tại buổi tiếp xúc, cử tri TX. Cai Lậy cho rằng đường cao tốc đi qua địa bàn TX. Cai Lậy hình thành đã góp phần thúc đẩy hạ tầng giao thông và phát kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một số vị trí không có đường dân sinh gây khó khăn cho người dân nơi có đường cao tốc đi qua. Cử tri kiến nghị khi làm đường cao tốc lưu ý vấn đề này nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Liên quan đến vấn đề này, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh chia sẻ với những lo lắng của cử tri và cho rằng ý kiến của cử tri về vấn đề này rất sâu sắc. Dự án đường cao tốc mang tầm quốc gia xuyên qua nhiều tỉnh, thành, rút ngắn được quãng đường đi lại của người dân. Khi thiết kế dự án đường cao tốc, các chuyên gia và kỹ sư tính toán rất kỹ lưỡng các vấn đề như: Thời điểm nào có đường cao tốc, thời điểm nào làm đường dân sinh, làn xe dừng khẩn cấp… quy trình rất chặt chẽ.
Tuy nhiên, từ bản vẽ đến việc thực hiện ngoài thực tế còn có những khó khăn, bất cập nên chưa giải quyết một cách thỏa đáng nhu cầu thực tế của người dân, nhất là những hộ dân sống trên đoạn đường dự án đi qua. Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và sẽ phản ánh đến các ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải để tháo gỡ những hạn chế mà cử tri phản ánh, đảm bảo việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân ngày càng thuận lợi hơn.
KIẾN NGHỊ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri các xã Điềm Hy, Hữu Đạo, Dưỡng Điềm (huyện Châu Thành) ý kiến, kiến nghị đến ĐBQH về bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi (80 tuổi trở lên). Theo cử tri, người từ 80 tuổi trở lên được bảo trợ hằng tháng, còn cán bộ hưu không có chế độ đó. Cử tri kiến nghị cần có chế độ dành cho người cao tuổi là cán bộ hưu.
Một vấn đề khác nữa là tiền trợ cấp hằng tháng của người cao tuổi, gia đình chính sách, thương binh được đưa vào thẻ ATM còn có nhiều bất cập, cử tri kiến nghị đến Quốc hội xem xét để tạo thuận lợi cho người lớn tuổi.
Trả lời các vấn đề trên, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Châu Thành Nguyễn Kim Trí cho biết, đối với công tác bảo trợ xã hội, cán bộ hưu không được hưởng thêm bảo trợ của người cao tuổi. Theo khoản 2 Điều 15 của Luật Người cao tuổi quy định, đối với người hưởng quyền lợi cao tuổi, những người có lương hưu thì không được hưởng thêm mức là người cao tuổi, chỉ có đối tượng là người có công mới được hưởng thêm suất hỗ trợ của người cao tuổi.
Hiện nay, thực hiện Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề chi trả không dùng tiền mặt, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Theo đó, vào đầu năm 2024, được sự chỉ đạo của tỉnh cũng như của UBND huyện, Phòng LĐTB&XH huyện phối hợp với Công an huyện và các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền; đồng thời, vận động đối tượng được hưởng an sinh xã hội (người có công với cách mạng, người cao tuổi và đối tượng được hưởng bảo trợ) cùng thực hiện chủ trương này.
Năm 2024, ngành Công an đã lấy ý kiến phiếu khảo sát của các đối tượng được hưởng chế độ an sinh xã hội thống nhất chủ trương mở tài khoản thẻ và làm thẻ ATM để chi trả qua thẻ chứ không chi trả bằng tiền mặt. Tuy nhiên, khó khăn của huyện đang gặp phải là trụ ATM đóng trên địa bàn huyện quá ít ở một số nơi, nên việc rút tiền bằng thẻ của người dân gặp khó khăn.
Trong quá trình thực hiện, huyện cũng đã phối hợp với 3 ngân hàng: SHB, Sacombak, Nam Á bank (vì 3 ngân hàng này có ưu đãi là rút bất kỳ trụ ATM nào của 3 ngân hàng trên không bị mất phí). Đối với trường hợp đã có thẻ ATM rồi, Phòng vẫn ghi nhận và chi trả tiền qua các thẻ đó. Hiện nay, Phòng LĐTB&XH huyện chi trả tiền trợ cấp qua: Tài khoản chính chủ (trực tiếp hưởng chế độ, trực tiếp mở thẻ), qua tài khoản ủy quyền (được triển khai trong tháng 5). Đối với đối tượng trẻ em chưa đủ tuổi vị thành niên và đối tượng người mất năng lực hành vi dân sự là vẫn được chi trả theo tiền mặt.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai ghi nhận những ý kiến của cử tri tại buổi tiếp xúc, đối với những ý kiến ngoài thẩm quyền, Đoàn ĐBQH ghi nhận, đề nghị lên cấp trên và trả lời trong buổi tiếp xúc cử tri sau.
KIẾN NGHỊ VỀ ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG
Tại điểm tiếp xúc cử tri huyện Chợ Gạo, cử tri kiến nghị các vấn đề liên quan đến việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện, cụ thể là đầu tư kinh phí xây dựng tuyến đường 879D đoạn đi qua xã Tân Thuận Bình, xã Quơn Long (huyện Chợ Gạo); cần nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo đoạn tiếp giáp xã Tân Thuận Bình và xã Quơn Long đang bị sạt lở nghiêm trọng...
Đối với vấn đề đầu tư kinh phí xây dựng tuyến đường 879D, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Nguyễn Văn Nhỏ cho biết: Đoạn đường 879D thuộc phạm vi phụ trách giữa tỉnh Tiền Giang và tỉnh Long An. Hiện đoạn thuộc tuyến đường 879D do tỉnh Tiền Giang phụ trách đã được đầu tư xây dựng hoàn thiện; còn đoạn đường trên tuyến đường 879D có đi ngang qua xã Tân Thuận Bình, xã Quơn Long thuộc phạm vi quản lý của huyện Châu Thành, tỉnh Long An... không thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh Tiền Giang. Nếu đoạn đường này được thi công hoàn thiện sẽ là cầu nối giao thương quan trọng từ tỉnh Tiền Giang, Long An đến TP. Hồ Chí Minh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương...
Còn về vấn đề nâng cấp, khắc phục tình trạng sạt lở tuyến kinh Chợ Gạo đoạn tiếp giáp xã Tân Thuận Bình và xã Quơn Long, đồng chí Nguyễn Văn Nhỏ cho biết, UBND huyện Chợ Gạo đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tiến hành duy tu, khắc phục những đoạn sạt lở tạm thời. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để khắc phục sạt lở rất lớn, vì thế huyện kiến nghị đến Bộ Giao thông Vận tải xem xét, tạo điều kiện để huyện tiến hành thi công khắc phục sạt lở, hoàn thiện tuyến đê còn lại trên tuyến kinh Chợ Gạo trong thời gian tới.