Đại biểu Quốc hội đồng tình việc phân bổ hơn 2.500 tỷ đồng cho EVN kéo điện lưới quốc gia ra Côn Đảo
Việc sớm đầu tư thực hiện dự án kéo điện lưới quốc gia cho huyện Côn Đảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội đối với huyện đảo này...
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, ngày 16/1/2024, Quốc hội thảo luận về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021- 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
NHU CẦU NGUỒN ĐIỆN CUNG CẤP CHO HUYỆN CÔN ĐẢO RẤT CẤP BÁCH
Thảo luận vấn đề này, các đại biểu đồng tình với việc phân bổ 2.526 tỷ đồng cho EVN để thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, đoàn Bà Rịa Vũng Tàu thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021- 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Làm rõ thêm các thông tin liên quan đến dự án và thực trạng cung cấp điện hiện nay tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho hay, dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho EVN làm chủ đầu tư dự án.
Ngày 23/5/2023, Bộ Công Thương đã có báo cáo số 65 về kết quả thẩm định chủ trương đầu tư; ngày 16/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 708/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Qua đó, xác định: Vốn đầu tư của dự án khoảng 4.950.156.000.000 đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương khoảng 2.526,16 tỷ đồng; vốn tự có của EVN khoảng 2.423,996 tỷ đồng.
Hiện nay, thực trạng nguồn điện cung cấp cho huyện Côn Đảo rất cấp bách và thiếu điện nghiêm trọng nên cử tri và nhân dân huyện Côn Đảo mong chờ triển khai dự án này, đại biểu Yến cho hay.
Cũng theo đại biểu, nguồn điện cung cấp cho huyện Côn Đảo chỉ có từ Nhà máy điện Diesel An Hội và Nhà máy điện Diesel An Hội mở rộng gồm 9 tổ máy với tổng công suất 11.820 kW và nguồn điện mặt trời với tổng công suất 136 kWp. Theo đó, việc cung cấp nguồn điện tại Côn Đảo hiện giờ chỉ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và một phần cho dịch vụ, du lịch, còn khu vực sản xuất gần như không đáp ứng được yêu cầu.
Điều đó là một trong những nguyên nhân làm cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại huyện gặp rất nhiều khó khăn, trong khi ngành điện phải “gồng mình” gánh các chi phí thực hiện nhiệm vụ phát điện cho Côn Đảo.
Cụ thể, để chạy máy phát điện Diesel An Hội trên huyện Côn Đảo, trong giai đoạn 2015- 2020, ngành điện đã bù lỗ 446 tỷ đồng. Từ năm 2021- 2023, đã bù lỗ 467,7 tỷ đồng, trong đó năm 2021 là 84,3 tỷ, năm 2022 là 175 tỷ, năm 2023 là 208,4 tỷ.
Bên cạnh đó, để đảm bảo vận hành hệ thống phát điện Côn Đảo trong 3 năm 2021, 2022, 2023, ngành điện phải chi 102,93 tỷ đồng để sửa chữa, đầu tư, nâng cấp hệ thống phát điện và lưới điện.
CẦN THIẾT BỔ SUNG VỐN ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN CHO DỰ ÁN CẤP ĐIỆN LƯỚI CHO CÔN ĐẢO
Góp ý vấn đề này, các đại biểu nhất trí sự cần thiết bổ sung kế hoạch bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho EVN từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện dự án cấp điện lưới quốc gia cho Côn Đảo.
Việc đầu tư cho Dự án với mục tiêu cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện trên đảo, đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của huyện Côn Đảo, phát triển du lịch..., góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia là cần thiết.
Đại biểu Yến nhấn mạnh, việc sớm đầu tư thực hiện dự án kéo điện lưới quốc gia cho huyện Côn Đảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội đối với huyện Côn Đảo, đang được cử tri và nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đặc biệt quan tâm, theo dõi.
Vì vậy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh mong muốn và đề nghị Quốc hội quan tâm ủng hộ việc phân bổ 2.526,16 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho EVN để thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, đại biểu nói.
Bên cạnh đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị EVN triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu chất lượng; đồng thời đề nghị Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với tiến độ, chất lượng thi công dự án.
Chia sẻ điều này, đại biểu Tô Ái Vang, đoàn Sóc Trăng nêu rõ, trước thực trạng nguồn cấp điện cho Côn Đảo chỉ đáp ứng đủ nhu cầu điện sinh hoạt, còn điện cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch gần như không đáp ứng trong khi các nhà đầu tư đang mong chờ có điện để triển khai kế hoạch đầu tư.
Vì vậy, việc cấp lưới điện quốc gia cho Côn Đảo sẽ đáp ứng mục tiêu cấp điện ổn định, an toàn và lâu dài, giảm thiểu tác động môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo tồn rừng quốc gia, các di tích lịch sử và đảm bảo quốc phòng an ninh…
Cơ sở để lựa chọn phương án cấp điện cho Dự án đã được Bộ Công Thương, EVN và UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tính toán, đề xuất 5 phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo, đưa ra 6 tiêu chí để đánh giá từng phương án. Phương án cấp lưới điện quốc gia được lựa chọn do đáp ứng đủ 6 tiêu chí với giá thành điện năng thấp nhất.
Nhấn mạnh các tiêu chí trên là rất phù hợp nhưng đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đoàn Tp. Cần Thơ cho rằng nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án có gần 1 nửa từ doanh nghiệp (EVN) nhưng trong 6 tiêu chí chưa đề cập đến các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề cập đến vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là đại diện chủ sở hữu EVN trong quá trình chỉ đạo, theo dõi, giám sát, phối hợp, quản lý giúp việc sử dụng vốn triển khai thực hiện dự án hiệu quả cao.
Còn đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng khi triển khai dự án này cần đánh giá kỹ, vì giữa đất liền ra đảo còn liên quan hệ thống đường trên biển. Việc đánh giá kỹ sẽ bố trí vốn cho sát, tránh đánh giá không đầy đủ dẫn đến đội vốn, kéo dài, chậm tiến độ dự án.
Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo có quy mô đầu tư xây dựng mới đường dây 110kV, 1 mạch, chiều dài khoảng 102,5km, ngăn xuất tuyến 110 kV tại Trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đến Trạm biến áp 110/22kV Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Dự án có tổng đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sau khi hoàn thành sẽ cơ bản đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp trên đảo.