Đại biểu Quốc hội ghi nhận chuyển động tích cực đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu ghi nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Phù hợp với công cuộc đổi mới
Ghi nhận những chuyển động tích cực của ngành Giáo dục, đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) nhấn mạnh, toàn hệ thống đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng các nguồn tài nguyên mở nhằm thích ứng với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phù hợp với công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với đại dịch.
“Có thể nói, công tác tuyển sinh năm 2022 bước đầu được đánh giá có sự đột phá về chuyển đổi số. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” - đại biểu Châu Quỳnh Dao nhấn mạnh.
Đáng chú ý, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục tiếp tục được đổi mới, trọng tâm là Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Năm 2022, Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức bảo đảm an toàn, nghiêm túc. Đây cũng là năm đầu tiên thí sinh lớp 12 thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến trên hệ thống quản lý thi. Công tác tuyển sinh cũng được thực hiện trực tuyến gần như triệt để ở các khâu như: Đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển; thanh toán phí xét tuyển; xác nhận nhập học v.v…
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) tán thành với Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đại biểu nhận xét: Qua báo cáo cho thấy, bức tranh giáo dục có nhiều điểm sáng. Đặc biệt giáo dục đại học ngày càng nâng cao tính hội nhập và quốc tế hóa. Bằng chứng, hiện Việt Nam có 6 trường đại học trong bảng xếp hạng đại học thế giới.
Theo đại biểu đoàn Bắc Ninh, nếu như trước đây, tự chủ đại học còn mới mẻ ở Việt Nam, thì nay các trường đã nhanh chóng thích ứng, thay đổi định hướng đào tạo. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã chủ động dừng và loại bỏ các ngành không phù hợp. Cùng với đó, mở thêm nhiều ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước đó, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong báo cáo, Thủ tướng ghi nhận, Bộ GD&ĐT kịp thời nghiên cứu, điều chỉnh Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bên cạnh đó, Bộ đã tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT và khai giảng năm học mới 2022 - 2023. Đặc biệt, 38 học sinh tham dự các cuộc thi Olympic khu vực, quốc tế đều nhận huy chương, bằng khen với 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen.
Theo Tổ chức xếp hạng Times Higher Education - THE 2023, cả nước có 6 trường đại học trong bảng xếp hạng đại học thế giới. Cụ thể, Trường ĐH Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong nhóm 401 - 500; ĐH Quốc gia Hà Nội trong nhóm 1.001 – 1.200; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong nhóm từ 1.501 trở lên.
Tạo chuyển biến căn bản
Thời gian tới, đại biểu Châu Quỳnh Dao mong muốn, ngành Giáo dục thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó là các giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Từ đó, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, ngành Giáo dục cần tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục. Đồng thời, đào tạo tập trung hoàn thiện chính sách phát triển, phương thức đào tạo trực tuyến, quản lý giáo dục trên môi trường mạng. Cùng với đó, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành; triển khai kết nối liên thông dữ liệu, tích hợp cơ sở dữ liệu ngành vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Mặt khác, tiếp tục rà soát và bảo đảm các điều kiện thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, thực hiện kiện toàn Hội đồng trường theo thời hạn quy định.
Dưới tác động của làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà cốt lõi là chuyển đổi số, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng: Tới đây, giáo dục cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ. Đây là yếu tố quan trọng nên cần được nghiên cứu, phân tích, nhìn nhận thấu đáo. Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục xác định quan điểm, định hướng phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2045.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của của Luật Giáo dục đại học. “Cử tri mong muốn, ngành Giáo dục cần rà soát các vấn đề trong toàn ngành để chủ động chỉ đạo giải quyết, khắc phục dứt điểm những hạn chế, bất cập. Kiểm tra các điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc những vấn đề nóng mà dư luận xã hội quan tâm” - đại biểu Nguyễn Thị Hà trao đổi.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT gửi Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, một trong những kết quả nổi bật thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là: Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng cao. Trong bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Thí sinh Việt Nam tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 38 lượt đều đoạt giải. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên bảng xếp hạng uy tín quốc tế.