Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng tham gia ý kiến về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025

Hôm nay 30/10/2021, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã tham gia ý kiến. Sau đây là phát biểu của đại biểu tại diễn đàn Quốc hội.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng tham gia ý kiến tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: L.M

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng tham gia ý kiến tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: L.M

Trước tiên, qua dữ liệu cập nhật về xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đặt trong sự so sánh với nhóm quốc gia “hàng xóm”, những đối thủ cạnh tranh của chúng ta, điều được rút ra là: Trừ so với Lào, Campuchia, mức tín nhiệm hiện nay của Việt Nam vẫn còn khoảng cách tương đối khi so sánh với những đối thủ như Malaysia, Thái Lan, Indonesia hay Philippine, thậm chí cả Ấn Độ. Đấy là những thành tích về chống dịch và kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2020 của nước ta đã được phản ánh vào kết quả xếp hạng được đề cập.

Còn về tỉ lệ bao phủ vắc-xin COVID-19, xét theo tiêu chí số dân được tiêm đủ 2 mũi trên tổng dân số quốc gia, số liệu quốc tế cập nhật nhanh cho thấy: Ta mới đạt mức gần 24%, bắt kịp được Ấn Độ, Philippine và Indonesia, nhưng vẫn còn cách khá xa so với của Malaysia hay thậm chí của Thái Lan. Tất nhiên, mức độ tiêm tập trung cho những khu vực trung tâm, những đầu tàu kinh tế chưa bàn đến.

Vậy, câu hỏi được đặt ra là: Việt Nam sẽ ở đâu sau khi chịu tác động tiêu cực và nặng nề của đợt dịch lần 4? Liệu các đối thủ hàng xóm có đứng im hay chỉ đi lững thững để xem chúng ta chạy không? Liệu kinh tế Việt Nam có lỡ nhịp với kinh tế thế giới và khu vực? Rõ ràng năng lực cạnh tranh quốc gia của chúng ta đang là một vấn đề. Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 không thể không quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

Chúng ta đã thừa nhận rằng, việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ba trọng tâm không hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 là “Hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm trước năm 2019 để tập trung nguồn lực triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác”. Chính phủ đã chỉ ra một trong những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trên là do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng nặng nề và sâu rộng tới nền kinh tế - xã hội, khiến nhiều mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế chuyển từ có khả năng hoàn thành sang không hoàn thành, nhiều nhiệm vụ trở nên khó khăn để thúc đẩy triển khai.

Ở một góc nhìn khác, cần nhấn mạnh hơn đến khía cạnh cơ hội và động lực mà đại dịch này tạo ra. Không thể phủ nhận là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của đại dịch COVID-19 thời gian qua đã làm bộc lộ những điểm yếu của cơ cấu kinh tế Việt Nam về tính tự chủ và khả năng chống chịu, về năng lực cạnh tranh quốc gia.

Số liệu thống kê đến 30/9/2021 cho thấy, hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, sản phẩm chủ lực đã phải chịu thiệt hại nặng nề. Nhưng ngược lại, vẫn có một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng tốt như y tế, dược phẩm, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, công nghệ thông tin và truyền thông… Chính điều này đã giúp thu ngân sách nhà nước không bị suy giảm quá nhiều. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thông tin khá lạc quan là thu ngân sách dự kiến vẫn vượt kế hoạch.

Quan sát khía cạnh doanh nghiệp, số liệu thống kê chỉ ra, trong 7 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường (80 nghìn) cao hơn đáng kể so với số doanh nghiệp được thành lập mới (76 nghìn), tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường diễn ra ở hầu hết các ngành, tuy nhiên tập trung nhiều vào ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; kinh doanh bất động sản; giáo dục, đào tạo...

Nhìn ra thế giới, chính đại dịch COVID-19 là một nhân tố quan trọng, một động lực đáng kể thúc đẩy xu hướng phát triển mới là tăng trưởng xanh, thương mại điện tử và kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi nghề... tại nhiều quốc gia. Chính phủ cũng nhìn nhận đây là cơ hội cho những nước đi sau như Việt Nam. Việc lựa chọn đầu tư, sắp xếp lại chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất toàn cầu tạo cơ hội cho chúng ta có điều kiện tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là chuyển đổi số, thu hút hợp tác về cơ sở hạ tầng, mở rộng thị trường xuất khẩu...

Như vậy, phải chăng chúng ta nên chấp nhận một cuộc “lột xác” cho nền kinh tế? Chúng ta sẽ không giải cứu, hỗ trợ đại trà, dàn trải mọi doanh nghiệp. Thay vào đó, Chính phủ cần tập trung nguồn lực vốn hạn hẹp cho những đối tượng thật chọn lọc nhằm đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể mà Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đã đặt ra trong Phần II.

Chặng đường mới của cơ cấu nền kinh tế đứng trước nhiều khó khăn, nhưng cuộc khủng hoảng này cũng là một cơ hội để quyết tâm sàng lọc, đào thải và phát triển mới để thúc đẩy các cuộc cải cách mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực liên quan đến 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Kế hoạch đề ra.

Lê Minh (tổng hợp)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=162140&title=dai-bieu-quoc-hoi-ha-sy-dong-tham-gia-y-kien-ve-ke-hoach-co-cau-lai-nen-kinh-te-giai-doan-2021--2025