Đại biểu Quốc hội 'hiến kế' để các chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả thiết thực

Sáng 30-10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ sáu, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuyên truyền nhiều hơn, tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi

Phát biểu tại phiên họp, quan tâm đến công tác tuyên truyền, tập huấn cho các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) cho biết, việc giải ngân cho công tác này đạt tỷ lệ khá cao so với nhiều nội dung khác. Tuy nhiên, trên thực tế, việc người dân, nhất là người nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số, được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ lại không đạt như mong muốn. Truyền thông ở nhiều nơi không hiệu quả, còn mang tính hình thức hoặc chưa sát đối tượng, chưa phù hợp với điều kiện đặc thù vùng, miền. Nhiều người nghèo, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ nên khi triển khai bị chậm tiến độ.

"Cán bộ làm chính sách rất ít, chất lượng không đồng đều, điều kiện kinh tế khi công tác ở miền núi còn khó khăn; chưa phát huy được vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín...", đại biểu nói.

 Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Từ đó, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị thời gian tới cần tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì khi người dân nắm được, hiểu được và đồng tình với chủ trương, chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi, hiệu quả mang lại thực sự bền vững, lâu dài.

Điều chỉnh sớm nhiều tiêu chí không phù hợp

Đề cập đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Trần Quang Minh cho rằng, cần xem xét lại các tiêu chí đã ban hành và điều chỉnh sớm nhiều tiêu chí không phù hợp như nước sạch, hỏa táng, nhà văn hóa xã đối với từng địa phương, đơn vị...

Đặc biệt, cần phải xem lại việc phân bổ kinh phí hằng năm luôn luôn chậm, việc này không chỉ xảy ra ở giai đoạn 2021-2025 mà cả những giai đoạn trước nhưng không được khắc phục triệt để, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng triển khai ở địa phương, cơ sở, nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương.

Từ nay đến cuối năm 2025 chỉ còn hơn 2 năm, tuy nhiên nhiều tiêu chí rất quan trọng lại khó về đích, còn cách xa chỉ tiêu đặt ra như: Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; tiêu chí về thu nhập; tiêu chí giảm nghèo đa chiều; tiêu chí về y tế; tiêu chí về môi trường, an toàn thực phẩm. Trong đó có 3 tiêu chí liên quan mật thiết với nhau đồng thời cũng là các tiêu chí hết sức quan trọng liên quan đến đời sống nhân dân cần phải được ưu tiên đầu tư, chú trọng - đó là sản xuất, thu nhập và giảm nghèo.

"Bởi vì suy cho cùng, trong xây dựng nông thôn mới, cái đích đầu tiên là phải làm cho đời sống nhân dân được nâng lên, nếu không sẽ kém phần ý nghĩa", đại biểu nhấn mạnh.

Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, theo đại biểu Trần Quang Minh, cần xem lại các nội dung như đào tạo nghề cho người nghèo, tránh lãng phí và kém hiệu quả như Đề án 1956 đào tạo nghề cho lao động nông thôn như trước đây đã làm và đã có bài học kinh nghiệm; đồng thời sớm thống nhất đối tượng cụ thể được hỗ trợ đào tạo nghề...

"Việc hỗ trợ tạo sinh kế cho người nghèo cũng cần được chú trọng hơn vì đây là cách giúp thoát nghèo bền vững. Cần đánh giá đúng thực trạng việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa, nhiều địa phương vì chỉ tiêu phấn đấu theo nghị quyết, theo kế hoạch hằng năm…nên đã vận động, thậm chí có nhiều cách làm với mục tiêu là giảm được số lượng trong khi chất lượng giảm nghèo và hộ thoát nghèo một cách bền vững chưa được đánh giá thực chất", đại biểu nêu quan điểm.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị cần bổ sung nội dung tập huấn cho đồng bào về cách chi tiêu, tái tạo sức lao động, tiết kiệm, tích lũy, tránh sa vào tệ nạn xã hội…. Theo đại biểu, đây là việc rất cần thiết vì trong thực tế, đồng bào do nhận thức, ý thức, trình độ…nên việc tích lũy thường rất ít, chi tiêu không hợp lý dẫn đến hiệu quả thoát nghèo bền vững không cao, hay tái nghèo và cứ như thế đi vào vòng luẩn quẩn, không thoát ra được.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) phát biểu tại phiên họp.

Đề nghị kéo dài thời hạn giải ngân vốn của chương trình mục tiêu quốc gia

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn Đắk Nông) đánh giá, việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 3 chương trình mục tiêu quốc gia là phù hợp với thực tế và đã có những tác động rất lớn, tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhất là vùng nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới.

Tuy nhiên, để tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ, tránh sự chồng chéo và tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương nên quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

"Mỗi chương trình ban hành một cơ chế, quy định riêng sẽ gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng thực hiện; đồng thời tạo ra sự chồng chéo, dễ gây bất đồng tại các khu vực thụ hưởng, dẫn tới giảm hiệu quả quá trình tuyên truyền, vận động đóng góp của người dân để thực hiện các nội dung của từng chương trình", nữ đại biểu phân tích.

Mặt khác, đại biểu Phạm Thị Kiều cũng chỉ ra, nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia còn phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao, gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo...

Từ những lý do trên, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn giải ngân vốn của giai đoạn 2021-2025 (kể cả nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đến hết giai đoạn năm 2025. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần ban hành quy định cho phép địa phương được chuyển từ nguồn vốn sự nghiệp sang nguồn vốn đầu tư, phân bổ theo các lĩnh vực chi (kinh tế, văn hóa, xã hội, tuyên truyền,...) theo nhu cầu sử dụng vốn.

ANH PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dai-bieu-quoc-hoi-hien-ke-de-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-dat-hieu-qua-thiet-thuc-749242