Đại biểu Quốc hội 'hiến kế' phát triển ngành nông nghiệp
Đại biểu Quốc hội chỉ ra nhiều bất cập của ngành nông nghiệp nước nhà, đồng thời cho rằng sản xuất nông nghiệp tập trung vào chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, cũng như xây dựng, bảo hộ thương hiệu quốc gia là những điều cần làm.
Đầu phiên thảo luận chiều 30-10, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) nêu vấn đề, ngành nông nghiệp nước ta chậm chuyển dịch so với xu thế chung của nông nghiệp thế giới hiện nay là sản xuất tập trung, chất lượng cao, tăng cường liên kết, gắn bó lợi ích trong các chủ thể.
Theo đại biểu, Việt Nam xuất khẩu nhiều loại rau củ quả ra nước ngoài, song hiện cũng nhập về tới 70% các loại trái cây trùng với các mặt hàng nông nghiệp sản xuất trong nước sản xuất. Bên cạnh đó, thị trường đối với nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu co hẹp lại, trong đó gạo có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu.
"Chính phủ cần sớm có giải pháp hiệu quả cho tình trạng trên, đồng thời có quy hoạch định hướng dựa trên dự báo thị trường để tránh trường hợp người dân đổ xô trồng thanh long, dưa hấu, giờ lại trồng cam, xoài... rồi lại phải giải cứu", bà Tuyết nói.
Đại biểu cũng đánh giá Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng xuất nhập khẩu cao, nhất là trái cây, rau quả, trong khi đó phần lớn hàng xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Sức ép cạnh tranh từ thị trường này ngày càng lớn, nhất là đối với nhóm mặt hàng nông, thủy sản.
"Đã đến lúc tư duy an ninh lương thực cần thay đổi, làm theo tư duy kinh tế nông nghiệp, chú trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng", bà Tuyết đề xuất.
Đại biểu đề nghị tìm kiếm những giải pháp căn cơ giúp ngành nông nghiệp nước nhà xây dựng thương hiệu quốc gia, xây dựng bộ tiêu chuẩn, tăng cường cơ sở hạ tầng để tăng khả năng kết nối. Bên cạnh đó, cần căn cứ vào nhu cầu thị trường để xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, (đoàn Đà Nẵng) cũng nêu vấn đề hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước quá tập trung vào hoạt động xuất khẩu, chưa chú trọng chất lượng sản phẩm bán trong nội địa, dẫn đến việc người tiêu dùng luôn có xu hướng muốn dùng hàng ngoại.
Bà Thúy nêu thêm vấn đề rằng rất nhiều mặt hàng của Việt Nam hiện đang xuất khẩu đi Trung Quốc. Việt Nam có nền kinh tế nhỏ, nếu kinh tế Trung Quốc có ảnh hưởng thì Việt Nam rất khó tránh những tác động tiêu cực.
Trong khi đó, Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cũng chỉ ra vấn đề nông nghiệp Việt Nam hiện tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở mức thấp, chỉ cung cấp đầu vào nông sản thô thông qua các thương hiệu nước ngoài nên là bên tạo ra ít lợi ích nhất trong chuỗi giá trị. Khâu chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch của Việt nam yếu.
Trên cơ sở đó, ông Thắng đề nghị Chính phủ, các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp và người nuôi trồng tính toán, phân tích thực tiễn thị trường để tạo sức mạnh nội sinh cho ngành nông nghiệp, tận dụng được những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
Đại biểu cũng cho rằng cần ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, bảo hộ thương hiệu quốc gia. "Chúng ta cần nhận thức rõ rằng xây dựng được thương hiệu là giải pháp quan trọng để đảm bảo đầu ra của ngành nông nghiệp", ông Thắng nhấn mạnh.
Còn nhiều ý kiến về môi trường
Tiếp mạch thảo luận về vấn đề môi trường, đại biểu Hiếu cho rằng thời gian qua có rất nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường đã xảy ra, tình hình ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các thành phố trong mức báo động. Theo đại biểu, khí thải độc hại không phải chỉ từ phương tiện giao thông đường bộ mà có đến 75% từ các nguồn thải khác.
Bởi vậy, đại biểu cho rằng điều cần nhất lúc này là can thiệp chính sách, sự phối hợp của nhiều ban, ngành và địa phương để cùng giải quyết vấn đề. Theo đại biểu, chất lượng không khí không thể cải tạo bằng các biện pháp đơn lẻ.
"Liệu chúng ta có thể đưa tiêu chí rất cụ thể cải thiện chất lượng môi trường năm sau không xấu hơn năm trước?", đại biểu đặt câu hỏi.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước sạch vừa tạo ra hình ảnh "như thời bao cấp" ở Thủ đô khi người dân phải xếp hàng lấy nước, đại biểu cho rằng điều này bộc lộ ra sự quản lý yếu kém, "kẽ hở để những kẻ luồn lách thu lợi trên sức khỏe người dân". Đại biểu đề nghị rà soát văn bản luật để siết chặt quy định liên quan đến cấp nước.
Trước đó, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cũng đề cập tới ô nhiễm bụi mịn hay nguồn nước sông Đà bị đổ dầu thải ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và cho rằng "phản ứng của chính quyền rất chậm".
"Chính quyền đô thị lúng túng, chưa thực thi trách nhiệm với dân. Nên giảm bớt họp hành, hội thảo hay mít tinh để nâng cao năng lực của chính quyền địa phương", bà Thúy nhận xét và đề nghị kiểm tra, đôn đốc và kỷ luật những cá nhân, tập thể có sai phạm.