Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đề nghị tiếp tục khen thưởng thành tích kháng chiến

Chiều 28-3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang.

Thay mặt Ủy ban Xã hội trình bày Báo cáo Một số vấn đề về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 2 đã có 268 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ và 34 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, 8 ý kiến bằng văn bản góp ý về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

 Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế) phát biểu.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế) phát biểu.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Theo giải trình của Ủy ban Xã hội, Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành không quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng để khen thưởng thành tích kháng chiến mà chỉ quy định nguyên tắc: “Nhà nước tiếp tục xem xét và thực hiện việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến cho những cá nhân, gia đình, địa phương và cơ sở có công lao, thành tích” và giao “Chính phủ hướng dẫn thể thức và thời hạn kết thúc việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến”. Tại lần sửa đổi luật này, Chính phủ tiếp tục duy trì nguyên tắc chung như trên để trình Quốc hội và bổ sung phạm vi “bảo vệ Tổ quốc” và đối tượng “tập thể”.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung quy định về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến. Cụ thể, khoản 1 Điều 95 dự thảo luật quy định: “Nhà nước tiếp tục xem xét và thực hiện cho những cá nhân, tập thể, hộ gia đình, địa phương và cơ sở có công lao, thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc theo quy định tại Nghị quyết số 06-NQ/TVQH ngày 29-8-1960 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về Điều lệ khen thưởng thành tích kháng chiến, Nghị quyết số 13/NQ-HĐNN7 ngày 28-8-1981 của Hội đồng Nhà nước quy định chế độ làm việc của Hội đồng Nhà nước trong việc xét duyệt và quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước và Nghị quyết số 47-NQ/HĐNN ngày 29-9-1981 của Hội đồng Nhà nước ban hành Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Cũng theo giải trình của Ủy ban Xã hội, tại Kỳ họp thứ hai, xung quanh đề xuất bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang có 2 luồng ý kiến, ủng hộ bổ sung và đề nghị không bổ sung hình thức khen thưởng này.

Thực hiện Kết luận của Ban Bí thư (tại Công văn số 3257-CV/VPTW ngày 7-2-2017 thông báo Kết luận của Ban Bí thư về chủ trương tặng thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc quy định hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho cựu Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, trong đó làm rõ về tên gọi, đối tượng, thời hạn, tiêu chuẩn xét tặng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Với tính chất là một hình thức khen thưởng kháng chiến, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cho phép bổ sung quy định. Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” được tặng hoặc truy tặng cho thanh niên xung phong tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có thời gian tại ngũ liên tục từ 2 năm trở lên, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng. Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sĩ có thời gian tại ngũ 1 năm trở lên thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan ủng hộ quy định này, nhưng cho rằng điều kiện liệt sĩ có thời gian tại ngũ 1 năm trở lên được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là chưa phù hợp với sự cống hiến, hy sinh của thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến.

Đại biểu nêu ví dụ về 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc trên đường Trường Sơn. Chỉ từ tháng 4 đến tháng 10-1968, trong 214 ngày đêm, địch đã ném gần 50.000 quả bom các loại xuống địa bàn. 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc đã phải làm việc suốt ngày đêm và đã hy sinh anh dũng ngày 24-7-1968. Trong số 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc có người tham gia lực lượng Thanh niên xung phong chưa được 1 năm đã hy sinh, như chị Trần Thị Rạng tham gia ngày 3-11-1967, hy sinh ngày 24-7-1968, chưa đủ 6 tháng.

Tương tự như vậy, đại biểu cho rằng, có trường hợp thanh niên xung phong làm nhiệm vụ đặc biệt, do chiến tranh ác liệt bị thương nặng, phải chuyển về tuyến sau, thời gian tham gia lực lượng Thanh niên xung phong chưa đủ 2 năm. Quy định như tại khoản 2 Điều 95 dự thảo luật thì những trường hợp này không đủ 2 năm tại ngũ liên tục nên không thuộc diện được tặng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang.

Do vậy đại biểu đề nghị sửa đổi điều kiện được tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang theo hướng giảm thời gian tại ngũ và xem xét cả những trường hợp đặc biệt tuy chưa đủ thời gian tại ngũ theo quy định.

Nhất trí với đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An đề nghị cân nhắc thêm về thời hạn tại ngũ là điều kiện để xem xét tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang. Theo các đại biểu, sự hy sinh về xương máu, tính mạng là sự hy sinh cao nhất, không nên quy định chặt chẽ về điều kiện tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang với nhóm đối tượng này.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam) nêu quan điểm “đã là liệt sĩ thì không tính tháng, tính ngày được”. Đại biểu xúc động nhấn mạnh về những mất mát không bù đắp được của những gia đình có con đã hy sinh, nhất là những người mẹ mang nặng đẻ đau, dày công nuôi dưỡng sinh thành liệt sĩ để đề nghị không quy định thời gian tại ngũ với liệt sĩ khi xem xét tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang…

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dai-bieu-quoc-hoi-hoat-dong-chuyen-trach-de-nghi-tiep-tuc-khen-thuong-thanh-tich-khang-chien-690031