Đại biểu Quốc hội: Khắc phục tình trạng 'đi đêm' trong đấu thầu nhằm phòng, chống tham nhũng
Sáng 8-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Tăng cường phòng, chống tham nhũng tại một số lĩnh vực
Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đánh giá cao báo cáo của các cơ quan tư pháp, báo cáo phòng, chống tham nhũng và báo cáo thẩm tra đã thể hiện khá rõ về tình hình, kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng, vẫn còn những tồn tại cần phải nhìn thẳng vào sự thật để mỗi tổ chức, cá nhân trách nhiệm hơn với nhân dân trong xã hội thượng tôn pháp luật, đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng ở một số lĩnh vực.
Cụ thể, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn), qua theo dõi các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua, có 5 chiêu trò phổ biến để lách luật trong hoạt động đấu thầu. Đó là chia nhỏ gói thầu; cài cắm các điều khoản để “chèn” thầu quen; thiết lập liên minh “quân xanh”, “quân đỏ” để thông thầu; móc ngoặc với thẩm định giá để nâng “khống” gói thầu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu.
Khẳng định đấu thầu nếu không được quy định và quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng, trục lợi, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị: Các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là những vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời, công khai sẽ được xem là giải pháp của mọi giải pháp và nó sẽ rất hữu hiệu để khắc phục tình trạng “đi đêm” ở trong đấu thầu vừa qua.
“Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), do đó, tôi kiến nghị tiếp tục rà soát để hoàn thiện bảo đảm thực hiện chặt chẽ 6 công khai trong đấu thầu, bao gồm công khai về điều kiện dự thầu; danh sách và năng lực nhà thầu; điều kiện được trúng thầu; quá trình chấm thầu, kết quả trúng thầu và kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhà thầu”, đại biểu Đoàn Bắc Kạn nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, cụ thể là tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp. Đại biểu cho rằng, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, việc quyết định vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí và hậu quả của nó.
“Nếu chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng và ngược lại. Nếu thực thi nghiêm chỉnh các quy định pháp luật đất đai cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn vi phạm pháp luật trong thời gian tới sẽ giảm về đất đai”, đại biểu Lê Thanh Hoàn nói.
Bảo đảm phiên tòa trực tuyến phát huy hiệu quả
Các đại biểu cũng đánh giá cao trong năm qua, việc triển khai phiên tòa trực tuyến đã đánh dấu bước đột phá về cải cách tư pháp của hệ thống tòa án. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc như cơ sở vật chất chưa được triển khai đồng bộ, các điểm cầu bị gián đoạn vì lỗi kỹ thuật, áp lực kinh phí cho các đơn vị, còn lúng túng trong phối hợp triển khai giữa các đơn vị....
Từ những khó khăn, vướng mắc đó, để bảo đảm công tác triển khai phiên tòa trực tuyến phát huy hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị, Tòa án nhân dân Tối cao đánh giá đầy đủ hơn kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến, đặc biệt là những khó khăn, bất cập để có giải pháp thực hiện đồng bộ.
Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh) kiến nghị Quốc hội tiếp tục có cơ chế phân bổ nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp trụ sở các Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện, các trại tạm giam các tỉnh, các kho vật chứng của cơ quan thi hành án để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
“Đề nghị Quốc hội xem xét tăng số lượng thẩm phán, thư ký Tòa án các cấp, đặc biệt là thẩm phán sơ cấp, trung cấp cho cả tòa án; đề nghị, Bộ Công an, Tòa án Tối cao kịp thời trang bị cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ thông tin, phòng xét xử tại điểm cầu trung tâm Tòa án và điểm cầu thành phần tại các trại tạm giam và các cơ quan tư pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ của mình”, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu nói.
Đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, các đại biểu Quốc hội cũng dành sự quan tâm cao cho công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến ma túy. Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) nhận định, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch Covid-19; số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp...
Quan tâm đến vấn đề trên, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) cho rằng, cần chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ hơn về công tác cai nghiện ma túy và biện pháp quản lý người nghiện ma túy ở địa phương, nhất là người nghiện ma túy ở ngoài cộng đồng, thực hiện hiệu quả chặt chẽ công tác theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tội phạm do người nghiện ma túy gây ra.