Đại biểu Quốc hội Khang Thị Mào thảo luận về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, đại biểu Khang Thị Mào bày tỏ thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
>> Các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái thảo luận ở tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)
Về những kiến nghị cụ thể, thông tin liên quan đến nội dung Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp, đại biểu thống nhất với việc bổ sung một số quy định về việc Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa Nghị quyết số 27 ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đại biểu cho rằng, quyền tư pháp hiện nay được trao cho nhiều cơ quan trong khối tư pháp, bao gồm cả Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan Thi hành án.
"Vì vậy, quyền tư pháp của Tòa án quy định tại luật này nên điều chỉnh theo hướng là quyền tư pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tòa án và chủ yếu là quyền tư pháp trong hoạt động xét xử và giải quyết các vụ án, vụ việc theo luật định” - đại biểu phát biểu.
Với cách tiếp cận đó, đại biểu nhận thấy quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 có những nội dung chưa thực sự phù hợp. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, biên tập lại nội dung này cho phù hợp.
Liên quan đến điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 1 Điều 15, đại biểu hoàn toàn thống nhất với dự thảo. Theo đó, Tòa án không có nghĩa vụ phải thu thập chứng cứ mà Tòa án chỉ hướng dẫn yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính; đồng thời, Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội để thu thập chứng cứ và lập hồ sơ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định khi được đương sự yêu cầu hoặc đề nghị.
Về việc không quy định Tòa án có nhiệm vụ ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa, đại biểu cơ bản thống nhất với quy định của dự thảo Luật. Theo đó, loại bỏ quy định này so với luật hiện hành. "Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo có thống kê, báo cáo thực trạng việc Hội đồng xét xử khởi tố vụ án tại phiên tòa để các đại biểu Quốc hội có thêm thông tin, ví dụ như thời gian vừa qua đã thực hiện được bao nhiêu vụ việc và kết quả như thế nào?” - đại biểu phát biểu.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, nếu quy định Tòa án không có nhiệm vụ ra quyết định khởi tố tại phiên tòa, đề nghị bổ sung nội dung quy định Tòa án kiến nghị khởi tố trên cơ sở kết quả xét xử và tranh tụng tại phiên tòa. Trong nhiều trường hợp, người phạm tội hoặc các hành vi phạm tội chỉ được làm rõ trong quá trình xét xử và tranh tụng. Khi đó nếu có đủ căn cứ cho rằng, có thể có thêm đối tượng phạm tội hoặc có thêm tội danh của người người phạm tội thì Tòa án có thể kiến nghị Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát khởi tố bổ sung.
Về số lượng thẩm phán, bậc thẩm phán tại mỗi cấp Tòa án quy định tại khoản 5 Điều 92, đại biểu cho biết, hiện nay dự thảo Luật quy định số lượng thẩm phán và bậc thẩm phán tại mỗi cấp tòa án do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, giữ nguyên như quy định của luật hiện hành. Theo đó, thẩm quyền quy định về số lượng thẩm phán và bậc thẩm phán tại mỗi cấp tòa án thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về tiền lương của thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký Tòa án quy định tại Điều 142 và Điều 143, đại biểu Mào đề nghị không quy định chi tiết cụ thể các nội dung liên quan đến chế độ tiền lương và chế độ ưu đãi của cán bộ, công chức ngành tòa án trong luật này, mà thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hệ thống thang, bảng lương, phụ cấp của các cơ quan, tổ chức và các chức danh trong hệ thống chính trị mà tới đây Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm sự thống nhất trong chính sách cải cách tiền lương.
Ngày mai - 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).