Đại biểu Quốc hội: Khoan nhượng với tội sản xuất, buôn bán thuốc giả là tiếp tay cho giết người hàng loạt
Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, ngày 27/5, đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới tội sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh và hàng giả, an toàn thực phẩm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, thảo luận
Với khoản 22 Điều 1 của dự thảo luật về sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 5 và khoản 6 của Điều 194 quy định về tội sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, cho biết: tại điểm b khoản 4 đã quy định phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tù chung thân không xem xét giảm án khi làm chết 2 người trở lên. Theo đại biểu Thu Nguyệt, điều kiện quy định cho tội phạm này chưa tương xứng với tính chất hành vi phạm tội và chưa thể hiện sự răn đe đối với loại tội phạm này trong thực tế. Những đối tượng tham gia vấn đề phạm tội với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh đã gây ra rất nhiều vấn đề, để lại cho xã hội nhiều hậu quả rất nặng nề. Từ tội phạm này cũng đã làm ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề về vật chất, về tài sản đặc biệt là xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người. "Tôi thấy những vụ việc đó là hậu quả của tội sản xuất, mua bán hàng giả, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh", đại biểu Thu Nguyệt cho hay.
Theo đó, đại biểu Thu Nguyệt đề nghị: "Chúng ta không khoan nên nhượng với với tội danh này; cần phải có quy định mang tính chất răn đe, kiên quyết đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh. Nếu chúng ta khoan nhượng với tội danh này, có lẽ là vô hình trng sẽ tiếp tay đến vấn đề giết người hàng loạt trong thời gian dài và cả tương lai sau này, ảnh hưởng đến cộng đồng".

Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu Quốc hội bên lề phiên họp
Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Sang, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh, mặc dù từ trước đến nay chưa có hình phạt tử hình nào đối với tội danh này nhưng trong tình hình hiện nay, do lợi nhuận chi phối nên các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh diễn biến hết sức phức tạp.
"Nếu chúng ta nói rằng tội giết người bằng một nhát dao có thể định lượng được, chúng ta nói là côn đồ, mất hết nhân tính. Song, tội sản xuất thuốc chữa bệnh, phòng bệnh cũng mất nhân tính không kém gì hành vi giết người, bởi đó là hành vi táng tận lương tâm, biết rồi mà vẫn làm, gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân". Bởi người bệnh uống nhầm thuốc giả, ít thì từ nhẹ thành bệnh nặng và bệnh nặng thì dẫn đến tử vong. Đại biểu Thanh Sang khẳng định: "Không nên nhân đạo đối với những trường hợp gây ra ảnh hưởng quá lớn. Bây giờ chúng ta đang đấu tranh với sản xuất hàng gian, hàng giả thì đối với tội này phải nghiêm trị để giữ kỷ cương phép nước".
Đề xuất nâng mức phạt tiền lên cao hơn, có thể là 3-4 lần với tội phạm về hàng giả
Với các tội liên quan tới an toàn thực phẩm đại biểu Nguyễn Tiến Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình,nhất trí cao về việc phải tăng nặng hình phạt tiền đối với các tội về sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, an toàn thực phẩm quy định tại các Điều 192, 193, 194, 195 và 317. Đây là các loại tội phạm đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Đại biểu Tiến Nam đưa ra số liệu công tác giám định hàng giả: năm 2022 có 141 vụ, năm 2023 có 111 vụ, năm 2024 có 164 vụ. Trong đó, hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm chiếm khoảng 34%; số hàng giả là loại thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh chiếm khoảng 20%; các loại hàng giả khác như hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng chiếm khoảng 21%.
Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2025, số lượng giám định các vụ hàng giả tăng đột biến với 85 vụ, có những vụ đặc biệt nghiêm trọng với số lượng cực lớn như các vụ hàng giả về thực phẩm, sữa, thuốc chữa bệnh. Qua các giám định của lực lượng công an thấy rằng có sự thay đổi về phương thức, thủ đoạn của tội phạm hàng giả. Trước đây chủ yếu làm giả về nhãn mác, thương hiệu nhưng hiện nay làm giả về chất lượng sản phẩm như không đảm bảo thành phần, hàm lượng, các hoạt chất so với công bố, không công khai thành phần gây hại, dị ứng, các chất bị cấm...

Đại biểu Nguyễn Tiến Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, thảo luận
Mặt khác, lợi dụng sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước về việc phải công bố chất lượng, tiêu chuẩn cơ sở, thông tin trên nhãn mác, bao bì sản phẩm, không yêu cầu chứng minh công dụng sản phẩm nên các đối tượng đã cố tình đăng ký rất nhiều sản phẩm khác nhau với công dụng, đối tượng sử dụng khác nhau nhưng thành phần nguyên liệu không thay đổi, nói nôm na là một sản phẩm nhưng gắn với các nhãn mác khác nhau và các nhãn mác này đều được đăng ký sản xuất, đây là vấn đề lớn đặt ra trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Do tính chất phức tạp, nguy hiểm và hậu quả của loại tội phạm này đối với xã hội là không thể đo đếm được, đại biểu Nguyễn Tiến Nam đề xuất nâng mức phạt tiền lên cao hơn, có thể là 3-4 lần so với mức tăng 2 lần như dự thảo luật đối với các tội phạm về hàng giả.