Đại biểu Quốc hội: Không để miễn học phí nhưng lại phát sinh nhiều khoản thu khác

Đánh giá cao ý nghĩa nhân văn của chính sách miễn, giảm học phí, song các đại biểu cũng đề nghị cần xác định rõ cơ chế hỗ trợ học phí với cơ sở giáo dục công lập, quy định rõ nguyên tắc hỗ trợ, tiêu chí xác định mức hỗ trợ, tránh dẫn đến chênh lệch lớn giữa các địa phương. Cần đảm bảo học sinh được hưởng chính sách thực chất, tránh miễn một khoản chính thức nhưng lại phát sinh nhiều khoản thu khác.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 13

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 13

Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.

Cho ý kiến tại tổ, các đại biểu thống nhất cao với việc ban hành Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu

Xác định rõ cơ chế hỗ trợ học phí với cơ sở giáo dục công lập

Góp ý cụ thể đối với chính sách miễn, hỗ trợ học phí, kinh phí thực hiện quy định tại Điều 2, Điều 3 dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao mục tiêu và ý nghĩa nhân văn của chính sách; nhấn mạnh, chính sách đã thể hiện được tính ưu việt: mọi trẻ em, học sinh đều không bị gặp rào cản về tài chính khi đến trường. Việc miễn học phí rộng rãi sẽ giảm gánh nặng chi phí cho nhiều gia đình, khuyến khích những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đi học, qua đó nâng cao mặt bằng học vấn và nguồn nhân lực trong tương lai.

Tuy nhiên, để chính sách quy định tại Điều 2 được triển khai hiệu quả và công bằng, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị cần bổ sung, làm rõ về mức độ và cơ chế “hỗ trợ học phí” đối với cơ sở ngoài công lập.

Theo đại biểu phân tích, Dự thảo mới dừng ở nguyên tắc hỗ trợ, nhưng chưa nêu chi tiết hỗ trợ mức nào và bằng hình thức gì. Nếu Nhà nước hỗ trợ, có thể hiểu là ngân sách sẽ cấp một khoản tiền để bù đắp một phần hoặc toàn bộ học phí mà lẽ ra học sinh phải đóng cho trường tư thục, dân lập. Trong thực tế, học phí tại các cơ sở ngoài công lập rất đa dạng và cao so với cơ sở giáo dục công lập.

Do vậy, để đảm bảo công bằng và hiệu quả ngân sách, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị trong Nghị quyết nên giao Chính phủ quy định rõ mức hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập. Có thể quy định mức hỗ trợ không thấp hơn mức trần học phí công lập tại địa phương hoặc mức ngân sách Nhà nước chi bình quân cho một học sinh công lập. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng đề nghị cần làm rõ hình thức hỗ trợ ngân sách sẽ cấp trực tiếp cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập theo số lượng học sinh, hay cấp cho địa phương, hay hoàn trả cho phụ huynh. “Phương thức thực hiện minh bạch sẽ giúp tránh tiêu cực, đảm bảo tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng và mục đích”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà cũng đề nghị, cần chú trọng kiểm soát các khoản thu khác ngoài học phí khi áp dụng miễn học phí. Theo đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn chặt chẽ về danh mục và mức trần các khoản thu dịch vụ, thỏa thuận trong nhà trường, kèm cơ chế giám sát bởi phụ huynh và chính quyền địa phương, tránh việc lợi dụng lạm thu các khoản thu khác kể cả trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh. “Như vậy mới đảm bảo học sinh được hưởng chính sách thực chất, chứ không phải miễn một khoản chính thức nhưng lại phát sinh nhiều khoản thu khác”, đại biểu Nguyễn Thị Hà nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng, quy định miễn học phí cho người học tại các cơ sở giáo dục công lập là chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với công bằng trong tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm khái niệm “cơ sở giáo dục công lập” hiện nay bao hàm cả những đơn vị đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, trong đó có những cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đại biểu, mặc dù tỷ lệ các trường mầm non và phổ thông công lập thực hiện tự chủ tài chính hiện vẫn còn ít, nhưng ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... đã xuất hiện một số mô hình trường phổ thông công lập tự chủ hoàn toàn hoặc một phần. Nếu không xác định rõ phạm vi được miễn học phí, sẽ dẫn đến cách hiểu và áp dụng không đồng bộ giữa các địa phương.

Về phương thức chi trả, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất phương án chi trả trực tiếp cho học sinh khối ngoài công lập. "Tôi hơi băn khoăn một chút. Nếu cấp trực tiếp cho người học đối với thành phố thì rất thuận lợi, nhiều khi có thể chuyển khoản cho phụ huynh rất thuận lợi. Tuy nhiên, với những vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số của chúng tôi thì thực sự gây khó khăn mà còn phát sinh thủ tục hành chính", đại biểu cho biết.

Đại biểu Y Vinh Tơr, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu

Đại biểu Y Vinh Tơr, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu

Nghiên cứu mức trần miễn học phí đối với các địa phương chưa tự chủ ngân sách

Tại Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết quy định giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định mức hỗ trợ đóng học phí. Theo đại biểu Trần Thị Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, đối với các tỉnh tự cân đối được ngân sách thì dễ dàng ban hành nghị quyết đặc thù miễn học phí cho học sinh ngoài công lập, còn đối với các tỉnh không tự cân đối được ngân sách thì Hội đồng nhân dân tỉnh đó không thể ban hành nghị quyết đặc thù được.

Mặc dù Điều 3 quy định về kinh phí thực hiện cũng đề cập “Ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương chưa cân đối được ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan”, tuy nhiên đại biểu cho rằng quy định không cụ thể sẽ dễ dẫn đến việc hỗ trợ không công bằng giữa các địa phương. “Nếu có thể ban hành Nghị quyết đặc thù của địa phương thì cũng có mức thấp, mức cao, có thể chênh lệch nhiều trong cả nước”, đại biểu nêu rõ.

Do đó đại biểu Nguyễn Thị Hà đề nghị, đối với các tỉnh tự cân đối ngân sách thì giao cho HĐND cấp tỉnh ban hành ban hành nghị quyết đặc thù với nguyên tắc không thấp hơn so với mức hỗ trợ cho học sinh công lập, còn đối với những tỉnh chưa cân đối được ngân sách, khó khăn trong bố trí ngân sách, vẫn phụ thuộc vào ngân sách trung ương thì không phải ban hành nghị quyết đặc thù và trung ương sẽ quy định luôn vào trong Nghị quyết này là trung ương sẽ chi trả theo Nghị quyết này.

Đại biểu tham dự họp tại Tổ 13

Đại biểu tham dự họp tại Tổ 13

Đồng quan điểm, đại biểu Y Vinh Tơr, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cũng đánh giá cao chính sách miễn, hỗ trợ học phí cho cả học sinh trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. “Đây cũng là một bước tiến rất lớn, vượt trội, mạnh hơn, cụ thể hơn so với Nghị định 81 và một số chính sách khác liên quan, thể hiện sự công bằng trong giáo dục và khuyến khích xã hội hóa giáo dục”, đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên đại biểu Y Vinh Tơr cũng đề nghị cơ quan thẩm định cần phải đánh giá đảm bảo chính xác nguồn lực của ngân sách nhà nước đảm bảo đủ để có thể thực hiện liên tục, nhất là đối với các địa phương còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách. “Ở các địa phương chưa cân đối được ngân sách, còn đang phụ thuộc ngân sách trung ương thì chúng ta có thể nghiên cứu mức trần hỗ trợ nhất định để đảm bảo công bằng”, đại biểu đề nghị.

Nêu thực tế, việc thực hiện chính sách miễn, giảm học phí theo Nghị định 81 thời gian qua chưa rà soát hết được các đối tượng, đại biểu Y Vinh Tơr cũng đề nghị trong Dự thảo Nghị quyết lần này cần đảm bảo tính tiếp cận, bao phủ được hết trong các địa phương.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị, chính sách hỗ trợ đặc thù học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn thì ngoài miễn, hỗ trợ học phí cũng phải cần tính đến chính sách hỗ trợ về chi phí về ăn ở, một số chi phí về hỗ trợ học tập.

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh phát biểu

Đề xuất miễn thuế đất nông nghiệp đến 2035

Tại tổ 13, các đại biểu cũng cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đánh giá, chính sách trong Dự thảo Nghị quyết đã thể hiện tinh thần nhất quán, cam kết chính trị mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong việc đồng hành cùng khu vực nông nghiệp, tạo động lực sản xuất nông nghiệp cho người dân, nông dân, nông thôn.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc chúng ta tiếp tục ban hành Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tôi cho rằng điều này sẽ giúp duy trì tính ổn định nhất quán của chính sách tài khóa đối với nông nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng trong bối cảnh hội nhập sâu rộng”, đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh.

Đại biểu tham dự họp tại Tổ 13

Đại biểu tham dự họp tại Tổ 13

Góp ý cụ thể, về thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị thay vì quy định miễn 5 năm như trong Dự thảo Nghị quyết thì cần kéo dài thời hạn miễn thuế đất nông nghiệp lên 15 năm, đến năm 2035. “Hơn 30 năm trước đây chúng ta đã miễn miễn thuế sử dụng đất ổn định lâu dài trong vòng 30 năm. Vậy tại sao bây giờ chúng ta lại không đề xuất một chính sách kéo dài hơn để đảm bảo tính ổn định”, đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh.

Phân tích cụ thể hơn, đại biểu cho biết, lĩnh vực nông nghiệp vốn là lĩnh vực đặc thù với chu kỳ sản xuất dài hạn, phải có lộ trình, thời gian ổn định thì mới có thu nhập. Nếu chúng ta có chính sách lâu dài hơn thì người dân, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp có thể yên tâm đầu tư cũng như là hoạch định về kế hoạch sản xuất một cách bài bản hơn, lâu dài hơn, ổn định và bền vững hơn.

Đồng thời việc miễn thuế 15 cũng sẽ thúc đẩy chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hiện đại và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Điều này cũng giúp hạn chế các rủi ro trong việc đầu tư lâu dài vào đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Theo đại biểu Trần Thị Vân, để chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp thực sự phát huy vai trò là công cụ điều tiết hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và sử dụng đất một cách hợp lý thì cũng cần có sự điều chỉnh đất hoang hóa. Do đó cần nghiên cứu để có chính sách vừa hỗ trợ tài chính nhưng cũng vừa tạo ra động lực hỗ trợ người dân trực tiếp sản xuất, sử dụng đất đúng mục đích.

Dương Dung

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=94240